Monday 14 March 2011

Vô Tri - Milan Kundera

Trong Vô tri, Milan Kundera kể câu chuyện hồi hương của Irena và Josef, và ta đọc thấy qua chuyến đi khó khăn đó, họ đồng thời trở về với những đòi hỏi sâu kín của tâm tư mình.

Sau hai mươi năm sống ở nước ngoài, Irena về thăm tổ quốc Bohême và thành phố Praha của tuổi thơ cô. Thực ra, cô không háo hức với chuyến đi này lắm, vì lúc này ở Pháp cô đã sống yên ổn với công việc, căn hộ và các con. Cô về đơn giản là do sự thúc giục của chồng cô, Gustaf, một người đang thấy có nhiều cơ hội làm ăn ở Praha khi bộ máy kinh tế thị trường ở đó đang mở hết công suất. Nhưng điều làm cô đau đớn ngay trước lúc lên đường là một người bạn cô ở Paris đã xem chuyến trở về Praha này như là chuyến trở về mang ý nghĩa nhân sinh lớn lao vì không như vậy cô sẽ thiếu hẳn một chiều kích quyết định để đánh giá con người: chiều kích lịch sử. Sylvie đã phớt lờ hai mươi năm sống ở Paris của Irena - hai mươi năm ấy cô đã xây dựng cho mình một khoảng trời riêng đủ ấm áp, đủ hạnh phúc, và đủ những đường nét nhân văn chính yếu. Khi Irena nói: “Tớ sống ở đây được hai mươi năm rồi. Cuộc đời tớ là ở đây!” thì Sylvie im lặng khó chịu, ngầm muốn nói rằng (Irena) không được phép lảng tránh những sự kiện vĩ đại đang diễn ra “tại nước cậu”. Với Sylvie, đó là Cuộc Trở Về Vĩ Đại, có thể sánh với cuộc trở về của Ulysse trong sử thi Hy Lạp Odyssée.


Nhưng đó dù sao cũng là cách cư xử có phần “văn minh” và “thấu hiểu” của Sylvie, thay mặt giới trí thức Pháp, dành cho Irena, một người nhập cư đến từ một nước Đông Âu cách mạng. Thái độ phớt lờ trước cuộc sống riêng tư của Irena chưa đến mức phũ phàng. Những người bạn cũ của Irena ở Praha sẽ làm điều này. Với tư cách số đông (trong một bữa tiệc), họ không cần thay mặt ai cả, họ chính là tất cả những người “không di cư”, đã ở lại tổ quốc suốt hai mươi năm khó nhọc không có Irena. Họ không hỏi thăm lấy một lời về hai mươi năm di cư của cô. Cô muốn chọn chủ đề cho cuộc gặp gỡ và muốn được họ lắng nghe, nhưng “Đám phụ nữ nói không ngừng và gần như không thể áp đặt cho cuộc trò chuyện ấy một chủ đề (…) / ngay khi những lời của cô tách xa khỏi những mối bận tâm của họ, không ai buồn lắng nghe cô nữa cả.” Họ không uống những chai rượu Bordeau mà Irena mang về từ Paris. (Khi đã say sưa với bia, thức uống quen thuộc của quê nhà, họ mới quấy quá uống chút rượu vang).

Rõ ràng, cô bạn Sylvie và những người bạn Praha đã cố tình lôi kéo Irena vào một đại tự sự (grand narrative), không cho cô đứng ngoài một bầu trời chung. Không ai cần biết Irena rốt cuộc cũng cảm thấy mình yêu Praha biết bao, và thực sự muốn lấp đầy ý nghĩa cho chuyến trở về này bằng cách tranh thủ tìm lại một Praha với bao kỷ niệm êm đềm xa xưa, “Praha của những khu vườn bao quanh, vào lúc hoàng hôn, bí mật tiến hành lan tỏa mùi hương”. Không ai cần biết điều gì đang diễn ra trong sâu xa tâm hồn cô, kể cả người chồng đi cùng cô. Như vậy là cô đã “ngoại tình trong tư tưởng”. Không, cô sẽ đi xa hơn, cô sẽ ngoại tình trong thực tế để đẩy nhanh tiến trình đi tìm thời gian đã mất của mình. Cô tự tìm đến Josef, một người bạn trai từng tán tỉnh cô ngày xưa. Anh ta cũng là người di cư bất đắc dĩ như cô và tình cờ đi chung chuyến bay về Praha với cô. Cô để cho toàn bộ thân thể và bản năng mình đón nhận cảm giác hoàn toàn trở về. Nhưng rất nhanh cô nhận ra mình đã bị bỏ rơi giữa đường, theo đúng nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Josef bỏ cô nằm trần truồng trên giường để thoát đi cho kịp chuyến bay rời Praha.

Nhưng Irena không chỉ là nạn nhân. Khi đã có một Praha xa xôi, chập chờn, bí mật cho riêng mình, chính cô cũng phớt lờ một Praha cụ thể, sinh động, rộn ràng của Gustaf chồng cô.

Josef thì sao? Anh ta không đến mức tệ hại như chúng ta tưởng tượng. Anh cũng là kẻ thất bại trên đường trở về. Nhưng anh sớm biết thân biết phận: anh biết mình là kẻ có tội, một kẻ đào ngũ; họ đã lấy nhà cửa của anh và nhất là bức tranh quý giá của một họa sĩ tặng cho anh… “Anh không cảm thấy chút hứng thú nào với việc ngoái nhìn lại sau lưng và cố làm việc ấy càng ít càng tốt.” Sự gắn kết với hiện tại giúp anh xua đuổi dễ dàng các kỷ niệm. Anh sáng suốt khi tự nhủ “mình chỉ có một cuộc đời và mình muốn sống ở nơi khác” và anh muốn hoàn thành lịch sử của cá nhân mình với tất cả sự ngậm ngùi lẫn dửng dưng khi cố gắng thoát ra khỏi những cái bẫy quá khứ giăng đầy. Cuộc sống riêng tư của anh có thể sẽ rất tẻ nhạt, nhưng biết sao được, vì đó là chọn lựa của anh, chọn lựa quên lãng tất cả và sẵn sàng chấp nhận bị lãng quên.

Như thường thấy trong các tiểu thuyết của Milan Kundera - khảo sát một hiện hữu thể nghiệm, Vô tri khảo sát cái tôi trong tương quan với các chìa khóa hay mật mã cuộc sống: trí nhớ, những kỷ niệm, sự hồi hương, chiều kích lịch sử - chính trị của con người, xung đột giữa đại tự sự và tiểu tự sự…

No comments:

Post a Comment