Monday 14 March 2011

Miếng da lừa

Tiểu thuyết của nhà văn Pháp Honore de Balzac thuộc phần Khảo cứu triết học của Tấn trò đời. Tác phẩm đã mô tả sinh động xã hội Pháp thời Trung hưng, chạy theo đồng tiền, chà đạp mọi thứ, từ danh dự, đạo đức, tư tưởng, tình cảm đến đời sống con người.



Raphael de Valentin
là một thanh niên dòng dõi quý tộc sa sút, cha mẹ chết sớm, anh thuê một căn gác xép ở Thủ đô Paris làm nơi trọ học, ngày đêm cần cù làm việc, nhưng anh lại khao khát tình yêu trong cảnh giàu sang. Bà chủ nhà và cô con gái Pauline dịu dàng hết lòng thương yêu săn sóc, nhưng vì họ nghèo nên anh chẳng đoái hoài đến. Rastignac là một thanh niên quý tộc đàng điếm khuyên Raphael từ bỏ con đường lao động cần cù và len vào xã hội thượng lưu bằng cách chinh phục tình yêu của các phụ nữ quý tộc. Hắn giới thiệu anh với nữ bá tước Foedora có nhan sắc và nhiều tiền của. Nhưng Foedora là hạng “đàn bà không tim”, vì thế Raphael cố gắng bao nhiêu cũng không sao lay chuyển nổi tấm lòng kiêu kỳ, băng giá của nàng. Thất vọng, Raphael lại nghe lời Rastignac từ bỏ căn gác xép của Pauline, đi vào con đường ăn chơi trụy lạc. Tiền bạc có bao nhiêu tiêu xài hết, còn lại đồng cuối cùng đem nướng nốt trong cuộc đỏ đen, Raphael định ra sông tự tử. Vừa lúc đó, anh gặp một lão già bán đồ cổ cho anh miếng da lừa thần. Ai có miếng da lừa ấy trong tay thì ước gì được nấy, nhưng mỗi lần thỏa mãn, miếng da lừa co lại một ít và thế là tuổi đời của người đó cũng bị rút ngắn.


Cầm tấm bùa thiêng, Raphael lập tức được chủ ngân hàng Taiơphe mời tham dự một bữa tiệc cực kỳ sang trọng, rồi lại được hưởng một gia tài bạc triệu của bà cô bên ngoại vừa chết ở Ấn Độ. Quả nhiên, miếng da co lại. Sức khỏe của Raphael cũng theo miếng da mà giảm sút dần. Anh lo lắng, tìm cách sống xa lánh hết thảy mọi người, mọi vật có thể gợi lại cho anh những ham muốn. Lúc đó Raphael gặp lại Pauline đã trở nên giàu có, hai người chuẩn bị lấy nhau. Nhưng miếng da lừa cứ tiếp tục co lại vì Raphael vẫn không sao ngăn được những ước muốn. Anh ném miếng da lừa xuống giếng, nhưng đầy tớ nhặt được lại đưa cho anh. Anh tìm đủ các nhà bác học, nhưng chẳng ai có cách gì căng miếng da lừa cho nó rộng thêm ra. Dù cố hết sức kiềm chế mình, Raphael thỉnh thoảng vẫn cứ phải sử dụng đến miếng da lừa tai ác, miếng da tiếp tục co hẹp lại, sức khỏe anh tiếp tục hao mòn dần. Anh cố xa lánh Pauline, nhưng cuối cùng nổi cơn ham muốn điên loạn và chết trong cánh tay nàng.


Miếng da lừa là một bức tranh xã hội chân thực, sinh động của nước Pháp dưới thời kỳ Trung hưng với những cảnh cờ bạc, rượu chè, trai gái, nợ nần, kiện tụng, buôn bán, sáng tác văn học, nghiên cứu khoa học, đầu cơ chính trị... với những người thuộc đủ các tầng lớp từ quý tộc, tư sản, nông dân, trí thức đến lưu manh, gái điếm... Nhiều khi, “Balzac chỉ dùng những câu chuyện trò rời rạc bên bàn ăn mà vẽ lên được những khuôn mặt và những tính cách rõ nét lạ lùng” (Gorki). Hình ảnh tấm da lừa có tính chất hoang đường chẳng những không làm giảm mà còn tô đậm giá trị hiện thực của tác phẩm. Xét kỹ những trường hợp Raphael ước và miếng da lừa co lại, có thể nói rằng miếng da lừa không quyết định cuộc sống, dù có hay không có miếng da lừa, Raphael vẫn được mời dự tiệc, vẫn được thừa kế gia tài..., vẫn bắn trúng địch thủ trong cuộc đấu súng, trời vẫn cứ đổ cơn mưa xuống đám hội làng..., cuộc sống vẫn cứ vận động theo quy luật khách quan của nó. Không có miếng da lừa thiêng thì anh chàng Raphael ăn chơi trác táng sẽ vẫn cứ mắc bệnh lao mà chết.

Biểu tượng miếng da lừa góp phần làm sáng tỏ bản chất của chủ nghĩa cá nhân tư sản. Giai cấp tư sản cần có tiền để hưởng lạc, nhưng chúng ngày càng hưởng lạc bao nhiêu, càng chóng chết bấy nhiêu. Đồng tiền cho phép chúng đạt mọi ước muốn trên đời, nhưng cũng phá hoại chúng cả về thể chất lẫn tinh thần.

No comments:

Post a Comment