Wednesday 13 April 2011

Viet Nam

the second day! price 200$

you had to paid 200$


you want to continue--> click here Let's click here
you had to paid 200$


you want to continue--> click here Let's click here

Monday 14 March 2011

Đáp đền tiếp nối - Một sứ mệnh nhất định phải làm trong đời!

Câu chuyện bắt đầu từ việc thầy giáo Reuben St.Clair ra một bài tập lấy điểm cộng thêm môn khoa học xã hội cho các học sinh cấp hai ở thị trấn Atascadero, bang California. Đề bài có nội dung là:


HÃY NGHĨ RA MỘT Ý TƯỞNG ĐỂ THAY ĐỔI THẾ GIỚI VÀ BIẾN NÓ THÀNH HÀNH ĐỘNG.



Quả thật đây là một đề bài khá hay, kích thích trí tưởng tượng, óc khám phá, sáng tạo. Hơn thế nó đã chạm đến trái tim nhân hậu của một cậu bé thông minh, nhạy cảm và tràn đầy tình yêu thương con người…


Trevor Mc Kinney, 12 tuổi đã hăng hái thực hiện bài tập của thầy St Clair bằng cách vạch ra ý tưởng giúp đỡ thật nhiệt tình cho ba người và điều kiện để họ đền đáp lại là mỗi người sẽ lại tiếp tục giúp đỡ cho ba người tiếp theo và như thế chuỗi hành động “đáp đền tiếp nối” cứ được kéo dài, nhân rộng ra mãi mãi. Trevor đã bắt tay vào hành động. Việc đầu tiên là em vẽ ba vòng tròn với ba cái tên ba người mà em sẽ giúp đỡ.


Thế là có ngay một bố cáo trên mặt báo: ”Hỗ trợ và giúp đỡ những người không may. Địa điểm: góc đường Traffic Way và El Camino. Thời gian: sáng thứ bảy lúc 9 giờ.”. Nhân vật đầu tiên mà Trevor đã “tuyển chọn” trong số 48 người “ứng tuyển” là Jerry Busconi một gã lang thang, thất nghiệp. Jerry đã được cậu bé giúp đỡ bằng cách tặng 35 đô là số tiền mà cậu bé kiếm được mỗi tuần nhờ đi phát báo mỗi ngày với điều kiện là Jerry phải tiếp tục giúp đỡ ba người khác.




Nhân vật thứ hai là bà Greenberg. Một bà lão cô đơn trong khu vườn nhà mình cùng với hai nỗi đau: căn bệnh thấp khớp luôn luôn hành hạ và đứa con trai lêu lỏng lúc nào cũng vòi vĩnh đòi tiền bà nhưng không làm bất cứ việc gì để đỡ đần bà. Bằng việc dọn dẹp, sơn phết cho khu vườn mà bà Greenberg rất yêu quí nó, Trevor đã cương quyết không nhận tiền trả công. Em đã làm cho bà cụ cảm động và âm thầm thực hiện tiếp ý tưởng đẹp đẽ của em mà tình cờ bà khám phá được. Trước khi từ giã cõi đời bà đã để lại di chúc chia đều số tiền bà đã tích góp cho ba người quen biết mà bà nghĩ rằng họ cần được giúp đỡ.


Nhân vật thứ ba lại chính là thầy dạy của em, St.Clair, cựu chiến binh da đen, 44 tuổi, độc thân. Bị trọng thương sau 7 tuần tham chiến tại Việt Nam. 11 cuộc phẫu thuật và cuối cùng là một khuôn mặt biến dạng của nửa mặt trái và một phần cánh tay trái co rút, teo cơ. Dường như mẹ và thầy đang thích nhau, vậy thì việc giúp đỡ trong kế hoạch của Trevor là hòa âm tình yêu cho mẹ và thầy.


Đến ngày phải trình bày bài tập của mình, trong khi các bạn hào hứng với kế hoạch đặt thùng rác tái sinh; kế hoạch sơn phết lại những bức tường bị bọn trẻ bôi bẩn bằng các hình vẽ nhố nhăng; kế hoạch ghi chép lại các mẩu chuyện kể từ các nhà dưỡng lão để in thành sách… thì Trevor buồn bã và ân hận vì bài tập em chưa hoàn thành khi mà lần lượt các “đối tác” mà em giúp đỡ đều gặp những trục trặc cá nhân. Dầu vậy thầy Clair đã động viên và cho điểm cao bài tập của em so với các bạn với lý lẽ “thầy chấm điểm dựa trên nỗ lực chứ không dựa vào kết quả”. Nhưng Trevor vẫn khăng khăng muốn làm lại kế hoạch của mình với ba người khác tiếp theo bởi: ”Em không chỉ cần điểm tốt, em còn muốn thế giới này tốt đẹp hơn”.


Trevor đã không ngờ rằng ý tưởng và hành động mà em ngỡ rằng đã thất bại và phải làm lại đã được nhân bản và lan xa thành một phong trào rộng lớn. Phong trào “Đáp đền tiếp nối” đã ảnh hưởng và tác động đến cộng đồng mạnh mẽ đến nỗi nó đã đánh thức máu nghề nghiệp của Chris Chandler, một phóng viên điều tra. Và chính Chandler đã phát hiện ra mọi ngọn nguồn.


Câu chuyện kết thúc bằng cái chết của Trevor sau tất cả những hạnh phúc mà em đã đạt được. Được Tổng Thống vinh danh, khen tặng, được hạnh phúc vì hai trong số ba người mà em giúp đỡ đạt kết quả. Nhưng em còn phải giúp đỡ một người khác nữa để thay thế cho người thứ ba mà em nhầm là đã bị hỏng trong kế hoạch đầu tiên. Thế là bất chấp mọi nguy hiểm, Trevor đã lao vào cứu nguy cho một người bị băng đảng hành hung, rồi em bị trọng thương và ra đi trong niềm thương tiếc của hàng triệu người…




Thế giới này sẽ tốt đẹp hơn nếu mỗi người trong chúng ta đều có một tấm lòng với trái tim rộng mở. Một người vì mọi người, mọi người vì một người… Mơ về một thế giới tốt đẹp hơn mỗi người chúng ta hãy cùng chung một ý tưởng và hành động, hãy xắn tay áo lên làm được những việc có ích cho mọi người và cho cộng đồng. Để… thế giới này ngày mai sẽ tốt đẹp hơn ngày hôm qua.

Miếng da lừa

Tiểu thuyết của nhà văn Pháp Honore de Balzac thuộc phần Khảo cứu triết học của Tấn trò đời. Tác phẩm đã mô tả sinh động xã hội Pháp thời Trung hưng, chạy theo đồng tiền, chà đạp mọi thứ, từ danh dự, đạo đức, tư tưởng, tình cảm đến đời sống con người.



Raphael de Valentin
là một thanh niên dòng dõi quý tộc sa sút, cha mẹ chết sớm, anh thuê một căn gác xép ở Thủ đô Paris làm nơi trọ học, ngày đêm cần cù làm việc, nhưng anh lại khao khát tình yêu trong cảnh giàu sang. Bà chủ nhà và cô con gái Pauline dịu dàng hết lòng thương yêu săn sóc, nhưng vì họ nghèo nên anh chẳng đoái hoài đến. Rastignac là một thanh niên quý tộc đàng điếm khuyên Raphael từ bỏ con đường lao động cần cù và len vào xã hội thượng lưu bằng cách chinh phục tình yêu của các phụ nữ quý tộc. Hắn giới thiệu anh với nữ bá tước Foedora có nhan sắc và nhiều tiền của. Nhưng Foedora là hạng “đàn bà không tim”, vì thế Raphael cố gắng bao nhiêu cũng không sao lay chuyển nổi tấm lòng kiêu kỳ, băng giá của nàng. Thất vọng, Raphael lại nghe lời Rastignac từ bỏ căn gác xép của Pauline, đi vào con đường ăn chơi trụy lạc. Tiền bạc có bao nhiêu tiêu xài hết, còn lại đồng cuối cùng đem nướng nốt trong cuộc đỏ đen, Raphael định ra sông tự tử. Vừa lúc đó, anh gặp một lão già bán đồ cổ cho anh miếng da lừa thần. Ai có miếng da lừa ấy trong tay thì ước gì được nấy, nhưng mỗi lần thỏa mãn, miếng da lừa co lại một ít và thế là tuổi đời của người đó cũng bị rút ngắn.


Cầm tấm bùa thiêng, Raphael lập tức được chủ ngân hàng Taiơphe mời tham dự một bữa tiệc cực kỳ sang trọng, rồi lại được hưởng một gia tài bạc triệu của bà cô bên ngoại vừa chết ở Ấn Độ. Quả nhiên, miếng da co lại. Sức khỏe của Raphael cũng theo miếng da mà giảm sút dần. Anh lo lắng, tìm cách sống xa lánh hết thảy mọi người, mọi vật có thể gợi lại cho anh những ham muốn. Lúc đó Raphael gặp lại Pauline đã trở nên giàu có, hai người chuẩn bị lấy nhau. Nhưng miếng da lừa cứ tiếp tục co lại vì Raphael vẫn không sao ngăn được những ước muốn. Anh ném miếng da lừa xuống giếng, nhưng đầy tớ nhặt được lại đưa cho anh. Anh tìm đủ các nhà bác học, nhưng chẳng ai có cách gì căng miếng da lừa cho nó rộng thêm ra. Dù cố hết sức kiềm chế mình, Raphael thỉnh thoảng vẫn cứ phải sử dụng đến miếng da lừa tai ác, miếng da tiếp tục co hẹp lại, sức khỏe anh tiếp tục hao mòn dần. Anh cố xa lánh Pauline, nhưng cuối cùng nổi cơn ham muốn điên loạn và chết trong cánh tay nàng.


Miếng da lừa là một bức tranh xã hội chân thực, sinh động của nước Pháp dưới thời kỳ Trung hưng với những cảnh cờ bạc, rượu chè, trai gái, nợ nần, kiện tụng, buôn bán, sáng tác văn học, nghiên cứu khoa học, đầu cơ chính trị... với những người thuộc đủ các tầng lớp từ quý tộc, tư sản, nông dân, trí thức đến lưu manh, gái điếm... Nhiều khi, “Balzac chỉ dùng những câu chuyện trò rời rạc bên bàn ăn mà vẽ lên được những khuôn mặt và những tính cách rõ nét lạ lùng” (Gorki). Hình ảnh tấm da lừa có tính chất hoang đường chẳng những không làm giảm mà còn tô đậm giá trị hiện thực của tác phẩm. Xét kỹ những trường hợp Raphael ước và miếng da lừa co lại, có thể nói rằng miếng da lừa không quyết định cuộc sống, dù có hay không có miếng da lừa, Raphael vẫn được mời dự tiệc, vẫn được thừa kế gia tài..., vẫn bắn trúng địch thủ trong cuộc đấu súng, trời vẫn cứ đổ cơn mưa xuống đám hội làng..., cuộc sống vẫn cứ vận động theo quy luật khách quan của nó. Không có miếng da lừa thiêng thì anh chàng Raphael ăn chơi trác táng sẽ vẫn cứ mắc bệnh lao mà chết.

Biểu tượng miếng da lừa góp phần làm sáng tỏ bản chất của chủ nghĩa cá nhân tư sản. Giai cấp tư sản cần có tiền để hưởng lạc, nhưng chúng ngày càng hưởng lạc bao nhiêu, càng chóng chết bấy nhiêu. Đồng tiền cho phép chúng đạt mọi ước muốn trên đời, nhưng cũng phá hoại chúng cả về thể chất lẫn tinh thần.

Con đường đau khổ

Con đường đau khổ là đỉnh cao chói lọi của tài năng Alexei Tolstoi, là cuốn tiểu thuyết của nền văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa. A.Tolstoi đã viết bộ ba tiểu thuyết này trong hơn 20 năm (1919-1941) và quá trình viết cuốn tiểu thuyết cũng là quá trình lớn lên trong tầm nhận thức của nhà văn đối với cách mạng.



Tập đầu của bộ tiểu thuyết, cuốn Hai chị em viết khi A.Tolstoi còn ở nước ngoài và chưa đi theo cách mạng, có thể xem là một thiên tự sự về vận mệnh cá nhân của các nhân vật trí thức đang đi tìm đường giữa những biến động dữ dội của cuộc sống. Mở đầu A.Tolstoi đưa ta vào không khí của kinh thành Peterburg năm 1914, những ngày trước chiến tranh. Peterburg và cả nước Nga đang sống trong những ngày tháng hấp hối của xã hội tư sản, những ngày tháng chán chường, phờ phạc, sặc nồng mùi vốtka và ái ân không tình yêu. Xã hội tư sản đang sống những ngày tàn của nó và những người trí thức tiểu tư sản, như những con bướm, không dính dáng gì đến khía cạnh nào của nước Nga cả, đang khắc khoải, hoảng hốt đi tìm “con đường thứ ba” làm giải pháp phá vỡ bế tắc của cuộc sống.


Sống trong không khí xã hội ấy, các nhân vật của A.Tolstoi do bản chất của mình, cũng đã dấn mình vào những cuộc tình phù du, những cuộc “dạ đàm” triết học và nghệ thuật, vào những suy tư dằn vặt vô vọng và đau đớn để tìm cách thoát ra khỏi xã hội và thoát ra khỏi chính mình. Katia, Dasa, Rotsin… kẻ ít người nhiều, đều đã sống như những “thân phận cô đơn”, những kẻ bị “lưu đày” trong xã hội ấy. Cuối cùng, họ sẽ đi tới đâu với những ưu tư ấy? Như tác giả sau này cho thấy, con đường của họ sẽ là con đường lạc lối, nếu không có một giải pháp thực sự cách mạng.


Mặc dù trong tập đầu, A.Tolstoi không có ý định mô tả quá trình lịch sử và có ý định viết một tiểu thuyết sử thi về nội chiến và cách mạng, Hai chị em vẫn không phải là tiểu thuyết thuộc loại sinh hoạt gia đình tầm thường. “Đó là hình ảnh thời đại qua những ấn tượng riêng tư” (A.Tolstoi). A.Tolstoi đã chú ý xác định mối quan hệ giữa trí thức và cách mạng hơn là mô tả những biến cố đang diễn ra trên dòng lịch sử. Các nhân vật của Hai chị em thấy cách mạng, chiến tranh, lịch sử như là một cái gì trớ trêu, thù địch, thay đổi bất thường và họ cố đem đối lập tính chất bấp bênh của lịch sử với sự vững vàng của hạnh phúc cá nhân. Âm điệu của tiểu thuyết là âm điệu của triết lý xã hội đi đôi với trữ tình cá nhân và điều đó được thể hiện ngay từ những trang đầu của tiểu thuyết. Sức hấp dẫn của tác phẩm trước hết là ở chỗ vận mệnh cá nhân các nhân vật đã được A.Tolstoi thể hiện trong sự tha thiết đối với vận mệnh của nước Nga, trong nhiệt hứng cải biến cách mạng, mặc dù chính tác giả đã không hiểu rõ thực chất của cách mạng. Nghệ thuật của tác giả trong việc tạo ra những bức tranh giàu màu sắc, trong việc sử dụng ngôn từ và chất thơ trữ tình, đằm thắm, sự “miêu tả lý thú và tinh tế tâm lý của một người con gái Nga đến tuổi yêu đương” như lời nhận xét của Gorki… Tất cả đã góp phần tạo nên hứng thú đặc biệt của cuốn sách.


Viết cuốn Năm 1918, A.Tolstoi đã chuyển hẳn cách nhìn và cách miêu tả đời sống nhân vật. Quá khứ đang còn nóng bỏng được tái hiện và tác phẩm bản lề này chuyển hẳn tác phẩm ba tập thành tác phẩm sử thi, anh hùng ca. A.Tolstoi đã thể nghiệm lại cuộc sống của đất nước Xô Viết trong một giai đoạn đột biến, ông phải suy nghĩ lại, cảm xúc lại tất cả dưới một cái nhìn mới và bản thân tầm rộng lớn của cuộc sống chiến đấu định tái hiện vào tác phẩm đã đòi hỏi một dung lượng tiểu thuyết rộng lớn, buộc phải chuyển sang sử dụng thể loại anh hùng ca. Trong Năm 1918, những sự kiện lịch sử dường như đối lập với số phận cá nhân các nhân vật. Trong tác phẩm, các nhân vật của A.Tolstoi đã đi vào cuộc sống và sự tiếp xúc với nhân dân đã dần dần thủ tiêu những mâu thuẫn cá nhân và xã hội, cuối cùng hòa hợp lại trong tình yêu đối với Tổ quốc và nhân dân.


Cùng với việc miêu tả chính quá trình lịch sử của đất nước Nga, trong Năm 1918, và sau đó trong Buổi sáng ảm đạm đã xuất hiện hàng loạt những nhân vật cộng sản đầy sức sống và có ý nghĩa lớn lao. Những con người này, những người đã cứu đất nước và nhân dân ra khỏi bàn tay của bọn phản động và bọn can thiệp nước ngoài, đã là “tinh hoa, lực lượng và tương lai của đất nước” (Lênin). Đấy là những người yêu nước chân chính, chiến đấu kiên định, những người thông minh mà giản dị, đôn hậu, được tôi luyện vững vàng trong chính cuộc chiến đấu sinh tử với kẻ thù.


Ivan Gora, người công nhân cộng sản có ý thức, người chính ủy đã giương cao ngọn cờ đỏ trong trận ác liệt trên bờ sông Manyts và khi hy sinh rồi, anh vẫn còn “dang rộng hai tay ra như muốn ôm lấy đất, chết rồi mà vẫn không chịu để cho quân thù chiếm mảnh đất này”. Tsugai, người cán bộ tổ chức quần chúng thông minh, giàu kinh nghiệm đã để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng người đọc. Số phận của Anyxya tượng trưng khát vọng vươn tới cái đẹp và chứng tỏ cách mạng đã mở rộng, thức tỉnh những khát vọng chưa từng có đối với văn học của nhân dân lao động. Cô thanh niên cộng sản Maruxya được miêu tả chỉ trong vài trang, nhưng hình bóng của cô thấm nhuần chất thơ của sự trong trắng và niềm tin ở lý tưởng... Qua tất cả những nhân vật này, cũng như qua việc thể hiện một cách chân xác hình tượng đám đông thủy thủ, hình tượng của những người lao động, A.Tolstoi muốn vạch rõ ảnh hưởng và tác động của họ đối với những người trí thức, vạch rõ sự xuất hiện con người mới.


Năm 1939, A.Tolstoi viết cuốn Buổi sáng ảm đạm, tập cuối của bộ ba Con đường đau khổ và đã đặt dấu chấm hết vào đúng ngày nổ ra chiến tranh vệ quốc vĩ đại - ngày 22.6.1941. Nối tiếp nhiệm vụ mô tả những biến cố lịch sử của Năm 1918, trong phần cuối này của bộ tiểu thuyết, A.Tolstoi đã sáng tạo một cách thể hiện độc đáo. Trong khi thu hẹp nhiệm vụ mô tả các sự kiện lịch sử vào vùng Ukrain và vùng xung quanh Saritxun, A.Tolstoi đi vào chiều sâu nội tâm của nhân vật, chiều sâu do cuộc cách mạng và nội chiến, do cuộc sống tác động vào ý thức và tâm lý của hàng triệu người…


Trong Buổi sáng ảm đạm cũng như trong Năm 1918, A.Tolstoi đã sử dụng rộng rãi những tài liệu lưu trữ lịch sử. Và do đó có thể gọi Buổi sáng ảm đạm và Năm 1918 là biên niên sử của cuộc nội chiến.


Bằng tất cả sự thâm thúy của một nghệ sỹ lớn, A.Tolstoi đã nói lên qua tác phẩm của mình như một lời tâm sự: trong cuộc sống không có con đường thứ ba, chỉ có hai con đường: đi với nhân dân hoặc chống lại nhân dân. Chỉ có đi cùng với nhân dân, cùng với cách mạng, người trí thức mới tìm được vị trí của mình trong cuộc sống chung và mới có được hạnh phúc chân chính. Kết thúc tập I, tác giả, qua lời nhân vật Rotsin như muốn nói lên tư tưởng chính của tác phẩm: “Năm tháng sẽ trôi qua, những cuộc chiến tranh sẽ im ắng dần, những cuộc cách mạng sẽ thôi gào thét và sẽ còn lại không phôi pha tấm lòng em nhẫn nại dịu dàng và chan chứa tình yêu thương…

Người bệnh cuối ngày




Thời còn cắp sách, chú học trò ngớ ngẩn làm tôi xác tín hai điều:

Một - thầy dạy toán là 100% khô như ngói, ngoài những con số toán học không biết gì thêm.

Hai - các vị bác sĩ vừa khô như ngói, vừa 100% không biết hài hước. Ngoài con dao mổ hay cái ống nghe, cũng không biết gì thêm.

Điều ngớ ngẩn thứ nhất bị phá sản ngay khi còn chưa rời ghế cấp 3. Vị thầy toán học đã làm tôi nhớ mãi một khái niệm toán học khó nhớ bằng văn chương. Một đêm đầy sao trên sườn núi thơ mộng của chàng chăn cừu trong một truyện ngắn thơ mộng của Alphonse Daudet chính là khái niệm tập hợp của nhiều phần tử đứng cạnh nhau.

Nhiều năm sau, khi đã vào đời, biết thêm ông vua truyện ngắn của nền văn học Nga Tchekhov là bác sĩ. Nhà văn nữ hiện tượng của thập niên 90 Phan Thị Vàng Anh là bác sĩ huyết học. Thi sĩ Đỗ Nghê chính là bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc. Và người rất đỗi hài hước hóm hỉnh trong những bài viết của lãnh vực “tế nhị-nhạy cảm”, “thắc mắc biết hỏi ai” lẫn ngoài cuộc đời chính là bác sĩ Trần Bồng Sơn (đã qua đời).

Phá sản toàn bộ những suy nghĩ ngớ ngẩn thời đi học thật đáng đời, mà cũng thật sướng đời. Tầm mắt nhờ thế mà không quáng gà!

Bây giờ, gặp thêm một bác sĩ mà học vị ấy tôi hoàn toàn chỉ được biết sau khi đã quen anh qua những bài báo, tạp bút và cái dáng ngồi lặng lẽ chìm hẳn vào âm nhạc trước phím dương cầm. Nghĩa là, tôi quen một nghệ sĩ Lê Đình Phương trước khi biết anh là thầy thuốc. Nhưng đã không còn ngạc nhiên nữa. Thầy thuốc-bác sĩ, không như thế làm sao mà “cận nhân tình”? Nghề y chính là một thứ nhắc nhở “cận nhân tình”. Toa thuốc không chỉ là toa thuốc. Mũi kim tiêm không chỉ là mũi kim tiêm. Cái ống nghe áp vào tim người khác đâu chỉ nghe thuần nhịp đập (nếu chỉ thế thì cái máy sốc tim làm bệnh nhân giật đùng đùng, giãy nảy lên ắt sẽ hay ho hơn ông bác sĩ mất rồi). Không “cận nhân tình”, nghề gì e cũng hỏng.

Vì thế, cuốn sách này, như lời đề tựa của tác giả đã tâm tình đầy đủ mục đích của mình. Tôi chỉ xin làm một điều đơn giản: hãy đọc và chắc chắn tự mỗi người sẽ tìm gặp được những điều rung động cho riêng mình.

Như tôi đã gặp khi đọc nó. Chỉ thế thôi!

Gia đình bé mọn - Lời tự thú chân thật

Trong vòng vài ba năm trở lại đây, nền văn chương Việt Nam bỗng dưng sôi nổi, ồn ào. Giới quan sát, phê bình và cả độc giả bỗng nghe thấy có nhiều giọng nói khác lạ, về mặt nội dung cũng như hình thức.

Tiêu biểu cho các giọng nói khác lạ này là bốn nhà văn nữ. Ba thuộc thế hệ đàn em là Nguyễn Ngọc Tư với Cánh đồng bất tận, Thuận với Paris 11 tháng 8, Đỗ Hoàng Diệu với tập truyện đầu tay Bóng đè và một thuộc thế hệ đàn chị là Dạ Ngân, tác giả cuốn tiểu thuyết Gia đình bé mọn.

Trong khi cánh đàn em, mỗi người một thể cách độc đáo riêng biệt, thì đàn chị về tuổi tác cũng như sự nghiệp của họ là Dạ Ngân, trái lại, không gây sốc, không làm mới câu cú và cũng không mời gọi độc giả moi tìm ý nghĩa ẩn náu giữa những dòng chữ, hay đằng sau các trang sách.

Vậy mà chính thuật kể chuyện truyền thống, không hoa hòe, không kiểu cách, không cầu kỳ, có thể bảo là cổ điển đó mới là thành tố bất phân với nội dung, nghịch lý thay, đã tự dưng biến thiên truyện Gia đình bé mọn của Dạ Ngân thành một tác phẩm độc đạo - độc đạo chớ không phải độc đáo.

Một hình một bóng, trên con đường quen thuộc hơn một phần tư thế kỷ cầm bút trong Nam ngoài Bắc, tác giả đã nhè nhẹ nắm tay người đọc, rù quến, lôi cuốn, dẫn họ cùng rảo bước với mình từ trang đầu cho tới hết trang chót. Chính cách kể chuyện đơn giản và dung dị này là bệ phóng nhấc cuốn tiểu thuyết trồi lên, nổi bật.

Tác giả Gia đình bé mọn không ấp ủ cao vọng cách tân, đổi mới hình thức hay ẩn chứa ý tưởng cao xa và cũng không đảo lộn trình tự diễn biến sự việc tường thuật - có chăng thì cũng chỉ là để làm rõ sự việc đang tường thuật, cho nên thiên truyện hóa ra dễ đọc, dễ hiểu, tình tiết cũng dễ theo dõi.

Nhờ vậy mà tâm tình - tâm tình chớ không phải thông điệp, tác giả gửi gắm qua các nhân vật chính và phụ, qua thực trạng xã hội phác họa, qua ký ức và hồi tưởng của mình, thảy đều được người đọc, có học hay thất học, tiếp nhận một cách dễ dàng, thấu triệt, trọn vẹn.

Và thích thú - thiên truyện đã chẳng được nối bản mấy lần chỉ sau một thời gian ngắn, và chắc còn in tiếp thêm nữa, đã chẳng được Hội Nhà văn Hà Nội chấm giải 2005 và phần nào đã thuyết phục Hội đồng giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam để tặng thưởng 2006 đó sao?


Chuyện kể rằng có cô gái Mỹ Tiệp trải nghiệm cuộc đời thanh xuân của mình ở một nơi không xa lắm, nhưng ngụp đầy xáo trộn - vào một thời kỳ không xa lắm, nhưng biến động tràn trề - trong một xã hội không ngừng chuyển mình từng giây từng phút, dầu vậy vẫn cứ khư khư phòng giữ nền nếp hủ lậu cổ truyền.

Vậy mà cô gái gầy gò yếu ớt ấy - ba mươi tám cân - đã đủ phẫn nộ, đủ tính, đủ bản lĩnh, đủ can đảm để dám vùng vằng và vùng vẫy, khi cương, khi nhu, kiên trì lần hồi bẻ gãy trọn mớ xiềng xích bủa vây mình, tự mình cởi trói cho mình, để cuối cùng toại nguyện sau bao nhiêu năm trời thử thách, thất bại và dằn vặt lẫn lộn, thể xác băm vằm và tinh thần bầm vập.

Trên bối cảnh đó không ngừng diễn tấu một số nhân vật đậm nét khó quên: Mỹ Tiệp, cô Tư Ràng, Hai Tuyên, Hai Khâm... nổi bật giữa một xã hội với bao hệ lụy của tình trạng bao cấp. Họ vừa là chứng nhân trực tiếp, đã thật sự trải nghiệm thời kỳ này trong máu huyết của mình, mà cũng có người là kẻ mê say tiếp tay để hành tội người khác.

Thiên truyện kể Gia đình bé mọn, như ghi chú ngoài bìa, là một cuốn tiểu thuyết. Nhưng tiểu thuyết nào mà không gói ghém ít nhiều chất liệu rút ra từ trải nghiệm, từ cuộc đời của tác giả? Khác nhau chăng là ở chỗ chất liệu này thể hiện rõ nét trên trang sách, hay đã hoá trang biến dạng chẳng ít thì nhiều.

Tóm lại, qua Gia đình bé mọn, chúng tôi thấy quan niệm của tác giả về cuộc đời, về ý nghĩa và mục đích cuộc sống không xuất phát từ một đạo lý, hay một triết thuyết cao xa - Dạ Ngân khiêm nhường, biết rõ rằng mình không thể có thứ cao vọng đó, mà bắt nguồn từ kinh nghiệm chính mình đã trải qua.

Từ mấy thập niên qua, ở Pháp có một trào lưu gọi là autofiction, hay tự sự hư cấu, mà văn giới Mỹ nhại theo, nhưng chuyển thành surfiction, một từ đồng nghĩa. Nôm na mà nói thì tự sự hư cấu là những trang viết trong đó tác giả xào nấu, hư cấu những sự việc, những sự cố kín đáo riêng tư có thật, hay bịa đặt là có thật, đã xảy ra trong cuộc đời mình.

Cuốn truyện L'Amant (Người tình - giải Goncourt 1984) của Marguerite Duras (1914-1996) là một thí dụ điển hình cho thể autofiction trong nền văn chương Pháp đương đại. Chẳng phải ngẫu nhiên mà ở đây chúng tôi nhắc tới tác phẩm này của nhà văn Pháp: Đọc 295 trang tự thú Gia đình bé mọn của Dạ Ngân, tôi luôn nghĩ tới cuốn Người tình.

Dẫu rằng đem ra so sánh, thì tác phẩm của Dạ Ngân có một bề dày lịch sử và một chiều sâu tâm lý khiến cho nó nghiễm nhiên trở thành chứng từ khắc họa một thời kỳ gian khó, qua những lời tự thú chân thật và chân thành về nhiều mặt (chứ không chỉ ở khía cạnh khát khao tình dục).

Cá sấu Ghena và cuộc hành trình tìm bạn

Để khẳng định một nhà văn đích thực là nhà văn viết cho thiếu nhi, theo tôi, việc đầu tiên cần làm là quan sát các cậu bé cô bé phản ứng thế nào khi được nghe, được đọc tác phẩm của nhà văn ấy. Có được cuốn “Cá sấu Ghena và các bạn” - tác giả Eduard Uspenski (Nga)(*), tôi đã thử đọc to lên một chương cho một cậu bé 5 tuổi và một người lớn. Người lớn có đôi chỗ nhíu mày không hiểu. Chẳng hạn, vì sao tra từ điển về con Báo mà phải bắt đầu tìm từ chữ cãi “G” (gầm) hoặc chữ cái V (vồ) chứ không phải là B (báo)! Còn cậu bé thì quay ra giảng giải cho độc-giả-người-lớn ấy, một cách tự tin và hứng khởi. Tôi hiểu rằng, nhà văn đã bắt được “kênh” với độc giả nhỏ tuổi. Và “Cá sấu Ghena và các bạn” đích thực là một tác phẩm dành cho các em.


Câu chuyện kể về chú cá sấu châu Phi… 50 tuổi đời có tên là Ghena, làm công việc đóng vai… cá sấu ở vườn thú. Chú rất cô đơn. Vì thế, một hôm nảy ra ý treo biển tìm bạn. Chú viết thế này: “Một cá xấu trẻ 50 tuổi muốn tìm bạn…”. Và ngay lập tức, chú lần lượt được đón các bạn của mình. Họ trở thành nhân vật trong cuốn truyện dày 200 trang nói trên, đưa các em nhỏ vào một cuộc hành trình lớn và có lẽ, quan trọng vào bậc nhất đối với tuổi thơ, là cuộc hành trình kết bạn, gìn giữ tình bạn. Đó là một con vật kỳ lạ, nhìn vừa giống thỏ, vừa giống gấu, không ra chuột túi cũng chẳng ra chó con, một nhân vật mà khoa học chưa biết đến, có tên là Cheburashka, nằm trong thùng đựng cam đến từ một miền xa lắc. Đó là cô bé Galia nhân hậu, luôn bắt bẻ người ta nói đúng viết đúng. Đó là một cô khỉ làm việc ở rạp xiếc, mồm ngậm đủ các thứ đồ vật nho nhỏ đến nỗi ai hỏi cũng luôn phải cân nhắc gật hay là lắc cho hợp cảnh. Đó là chú hươu cao cổ buồn bã vì quá cao, chẳng ai chơi cùng. Đó là anh sư tử to khỏe cuối cùng cũng đồng ý kết bạn với chú chó Tobic bé tẹo. Đó là những cậu bé bị liệt vào dạng “hư”, con nhà tử tế và có đến 6 hay 8 điểm 2 trong một tuần, thèm được kết bạn với những chú bé bị nhiều điểm 2 hơn mình… Và đương nhiên, trong cuốn sách còn có những nhân vật làm điều xấu nữa, là mụ già Sapokliac và con chuột Lariska. Tôi không thể nói đó là những nhân vật phản diện, bởi chúng chính là hiện thân của cái phần hiếu động và ngốc nghếch không thể không có trong mỗi đứa trẻ. Mụ già đi gom... điều ác, vì muốn được nổi tiếng!!! Dùng súng cao su bắn vào chim bồ câu, té nước vào người qua đường, buộc dây vào ví tiền để bẫy mọi người... Đấy, đó là những điều ác, điều xấu mà mụ Sapokliac muốn làm! Nhân vật này luôn đứng nghiêng ngả ở ranh giới giữa sự sửa đổi bản thân cho ngoan hơn với lực hấp dẫn của những trò tai hại. Thật thú vị khi được cùng các em khám phá chính bản thân mình qua những câu chuyện nho nhỏ của cuốn sách. Các em nhìn thấy mình trong đó, cười những tật xấu của chính mình và vui vẻ đồng tình với những giải pháp mà nhà văn đưa ra để một đứa trẻ có thể tìm được bạn, giúp đỡ được mọi người và nhìn những lỗi lầm của người khác một cách nhân hậu.

Không đưa ra mục đích giáo dục một cách lộ liễu, không lên lớp, giáo điều, nhìn sự việc kiểu trẻ con, nói kiểu trẻ con, và giải quyết mọi việc cũng kiểu trẻ con, rất logic đối với lũ trẻ mà hoàn toàn bất ngờ đối với độc giả người lớn - đấy chính là nét độc đáo trong bút pháp của nhà văn Xô Viết chuyên viết cho trẻ em Eduard Uspenski!

Eduard Uspenski sinh năm 1937 tại ngoại ô Matxcơva. Ở Liên Xô cũ và LB Nga, các nhân vật do ông sáng tạo ra từ lâu đã đi sâu vào đời sống tinh thần của các em nhỏ, và không chỉ của các em. Chú bé Phiodor bỏ nhà đi cùng con chó và con mèo trong “Bác Phiodor, con chó và con mèo” (tác phẩm đã được Nguyễn Thị Kim Hiền chuyển ngữ, công ty Nhã Nam và NXB Hội nhà văn ấn hành năm 2006), cá sấu Ghena, Cheburashka... đã xuất hiện trên các phim hoạt hình từ cuối những năm 60 thế kỷ trước, sau này, chúng là nhân vật trong các clip quảng cáo, thậm chí là biểu tượng của đội tuyển Olimpic LB Nga trong một số Thế vận hội mùa đông những năm gần đây. Hai bài hát của hai nhân vật cá sấu Ghena và Cheburashka, do nhạc sĩ người Nga nổi tiếng Shainsky, tác giả bài “Nụ cười”, phổ nhạc theo lời thơ của Uspenski, đều được trẻ em đón nhận và yêu thích đã nhiều thập kỷ. Ở Việt Nam cũng vậy, chắc không ít người từng cất lời hát bài “Mừng sinh nhật” mà cá sấu Ghena từng hát: “Vui xiết bao, mừng ngày sinh cùng cất tiếng ca, kèn trompete hòa vang véo von, nhạc bùng lên, son lá son... Năm tháng trôi, thời gian đi ngày sao quá mau, mừng ngày sinh ánh dương bừng sáng lên, bóng đêm tan, sẽ tan dần”.

Nhớ lại một thời, các bạn đọc nhí Việt Nam từng có trên tay những tác phẩm thiếu nhi với những câu chuyện nhỏ xinh, nhân hậu, dí dỏm của nền văn học Xô Viết, những “Timua và đồng đội” (A. Gaidar), “Marusia đi học” (E. Shvarts), “Vichia Maleev ở nhà và ở trường”, “Cuộc phiêu lưu của Mít Đặc và các bạn (N.Nosov)..., không khỏi cảm thấy bùi ngùi vì một thời gian rất dài đã có một khoảng lặng lớn trong việc tiếp tục giới thiệu nền văn học Xô Viết hoặc cập nhật những tác phẩm mới của Nga cho bạn đọc Việt Nam. Vì thế, lần này, cầm cuốn “Cá sấu Ghena và các bạn”, với tư cách là một người quan tâm đến văn học Nga nói riêng và văn học dịch dành cho thiếu nhi nói chung, tôi cảm thấy vui mừng.

Chuộc tội - McEwan

Cuốn tiểu thuyết mới xuất sắc của Ian McEwan “Chuộc tội” là một câu chuyện về tình yêu, một câu chuyện về chiến tranh và một câu chuyện về khả năng hủy diệt của trí tưởng tượng. Nó cũng là một cuốn tiểu thuyết chứa đựng tất cả những chủ đề trở đi trở lại của tác giả - ứng xử với những nguy hiểm của sự ngây thơ, sự ảnh hưởng của quá khứ lên thực tại và sự xâm phạm của cái ác vào những cuộc đời bình phàm - và hòa phối chúng trong một tác phẩm hài hòa mà mỗi phần nhỏ đều vừa lay động vừa vô cùng hấp dẫn. Nói một cách ngắn gọn, cuốn tiểu thuyết là một thành tựu xuất sắc.


Câu chuyện mà “Chuộc tội” kể lại liên quan tới lời nói dối ghê gớm của một bé gái 13 tuổi, một lời nói dối sẽ làm cho người yêu chị gái của em vào tù và làm tan nát cuộc sống vốn phẳng lặng của một gia đình tầng lớp hạng trên trung lưu. Như trong rất nhiều cuốn tiểu thuyết trước đó của McEwan, sự kiện kinh hoàng này sẽ phơi bày những đường nứt về mặt tâm lý chạy xuyên suốt cuộc đời các nhân vật của ông và buộc họ phải đối mặt với một loạt những lựa chọn về phương diện đạo đức. Nó cũng làm nổi bật những căng thẳng về mặt giai cấp tồn tại ở Anh những năm 1930 và những thay đổi về mặt xã hội do Đại chiến Thế giới lần thứ II gây ra.


Đồng thời, cuốn tiểu thuyết có vẻ chỉ là một chuyện kể được tạo nên bởi một trong các nhân vật này còn có giá trị như một sự suy tưởng phức tạp về những nguy hiểm của sự ảo tưởng và vực thẳm ngăn cách giữa hiện thực và nghệ thuật. Vô vàn những phúng dụ của nó (đến đủ các cuốn tiểu thuyết khác nhau như “Clarissa”, “Northanger Abbey”, “Lady Chatterley's Lover”, “Howards End”, và “Mrs. Dalloway”) đặt câu chuyện vào một bối cảnh văn chương phong phú đồng thời làm bật thủ thuật tạo ra một tác phẩm hư cấu: thắt chặt những đầu mối còn để hở của đời thực tế nhằm tạo ra một câu chuyện khiến người đọc thỏa mãn.


Gồm bốn phần riêng biệt, “Chuộc tội” mở đầu một cách rất lừa mị, như “Gosford Park”, lấy bối cảnh một vùng quê yên bình ở Anh được miêu tả bằng một thứ văn xuôi nhẹ nhàng, rất Woolf. Đó là một ngày hè nồng nực năm 1935, và gia đình Tallis tập trung ở căn biệt thự dùng bữa tối đặc biệt: Leon, con trai cả, về thăm nhà; em gái anh Cecilia vừa tốt nghiệp Cambridge về; Briony, cô em gái 13 tuổi của họ đã viết một vở kịch chào mừng Leon về nhà; ba đứa em họ Quincey - Lola 15 tuổi và hai thằng bé sinh đôi 9 tuổi, Jackson và Pierrot - thì vừa đến ở nhờ lâu dài.


Dẫu vậy, những mầm mống về sự hỗn loạn đã tồn tại. Người lớn trong nhà hoàn toàn vắng mặt: Jack Tallis thì ở văn phòng ở Whitehall của ông, lo chuyện nhà nước; Emily, vợ ông, bị đau đầu phải nằm bẹp trên giường; và bố mẹ bọn trẻ nhà Quincey thì vắng mặt vì đang chuẩn bị cho một cuộc li dị tồi tệ. Briony đã từ bỏ kế hoạch diễn kịch sau khi cãi nhau với mấy đứa em họ. Còn Cecilia và anh bạn cùng trường Cambridge, Robbie Tuner, con trai của người dọn dẹp cho gia đình Tallis, đã có một cuộc tranh cãi căng thẳng đầy nhục tính dẫn tới việc làm vỡ chiếc bình Meissen quý giá - cuộc tranh cãi bị cô bé Briony đang buồn bực chứng kiến, cô bé từng ôm ấp một cơn say nắng tuổi học trò với Robbie.


Rất nhiều sự kiện xảy ra vào tối hôm đó - bao gồm việc chuyển một bức thư tục tĩu, sự biến mất một cách chóng vánh của hai đứa sinh đôi nhà Quincey và việc cô em họ Lola bị hãm hiếp - nghe có vẻ như những sự phát triển được dàn xếp sẵn như trong một vở melodrama Gothic kiểu cũ. Nhưng McEwan đã rất tài tình khi cho thấy chúng là kết quả của một chuỗi kết hợp những sự tình cờ, hiểu nhầm, và đầu óc thâm hiểm, đồng thời khéo léo chuyển từ điểm nhìn của nhân vật này sang điểm nhìn của nhân vật khác để tạo nên một giọng kể phức tạp được cất lên vừa hài hòa vừa đem lại ấn tượng mạnh.


Trong những cuốn tiểu thuyết trước đây như “The Innocent” và “Amsterdam” McEwan đã sử dụng tài năng viết văn thiên bẩm của mình để chuyển tải điểm nhìn của các nhân vật rõ ràng là không hoàn toàn thánh thiện và trong “Chuộc tội” ông đã thành công trong việc khiến trạng thái tinh thần đã dẫn Briony đến việc buộc tội Robbie một cách sai lầm trở nên hợp lý, nếu không muốn nói là đáng thông cảm. Ông miêu tả cái cách sự ngây thơ bướng bỉnh và trí tưởng tượng tự trầm trọng hóa vấn đề của cô bé đã dẫn nó đến chỗ lờ đi sự thật, cái cách sự ngờ nghệch về thế giới người lớn của nó đã dẫn đến một tội ác khủng khiếp - một tội ác sau này cô bé cố đền bằng cả sự giải thích duy lý và những hành động chuộc tội.



Những phần tiếp theo của cuốn tiểu thuyết kể về những hậu quả mà lời nói dối của Brinoy gây ra cho gia đình Tallis. Một phần kể về cuộc rút lui của quân Đồng minh khỏi Dunkirk vào năm 1940, từ điểm nhìn của Robbie, anh được ra tù sớm vì đã đồng ý nhập ngũ. Phần thứ hai kể lại giai đoạn Briony làm y tá thực tập trong những ngày đen tối nhất khi diễn ra cuộc tản cư ở Dunkirk. Và phần thứ ba đưa người đọc về lại với gia đình Tallis năm 1999, những nhân vật chính sống sót qua chiến tranh nay đã già nua và ốm yếu.


Dẫu các phần của “Chuộc tội” đều được viết một cách diệu nghệ, khớp với nhau một cách tinh xảo như những miếng xếp hình được làm thủ công, dẫu chỉ riêng phần Dunkirk cũng đã có thể đứng riêng rẽ như một dàn cảnh sân khấu xuất sắc khắc họa sự vô nghĩa và nỗi kinh hoàng của chiến tranh, văn phong của McEwan vẫn không hề bộc lộ sự gượng gạo hay kiểu cách. Thực ra, “Chuộc tội” là cuốn tiểu thuyết khiến người đọc cảm động nhất của tác giả tính cho đến thời điểm này - một cuốn tiểu thuyết đã thừa kế kỹ thuật kể chuyện tuyệt vời từng được gọt giũa đến hoàn hảo trong cuốn tiểu thuyết “Amsterdam” trước nó để áp dụng cho một toàn cảnh bi kịch lớn hơn.


Đây là cuốn tiểu thuyết không chỉ chứng thực cho tài năng bậc thầy và khả năng chi phối độ căng tự sự của McEwan, mà còn cho sự hiểu biết của tác giả về trái tim con người và sự say mê sự cân đối và trật tự của nó.

Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh - Nguyễn Nhật Ánh

Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh là câu chuyện của người anh kể về người em, hay nói khác đi, là số phận của người em dưới cái nhìn của người anh. Cậu bé Tường tuồng như sinh ra để hi sinh và nhường nhịn người khác và cuộc đời đã ban tặng cậu hạnh phúc ngọt ngào mà cậu mong mỏi.



Trong khi Thiều, anh trai cậu, một cậu bé ích kỷ, hẹp hòi tưởng có được tất cả thì hóa ra chẳng có gì. Bài học đó thú vị ở chỗ nó do chính người anh ích kỷ, hẹp hòi rút ra chứ không phải ai khác.

Với một giọng kể chân chất hồn hậu, khi dí dỏm khi ngọt ngào, cả tếu táo và nghịch ngợm nữa, mỗi cuốn sách của Nguyễn Nhật Ánh giống như một ống kính vạn hoa. Với các em, chỉ cần xoay khẽ một chút các em sẽ thấy biết bao quen thân và lạ lẫm để rồi ngồi cười khúc khích với nhau, hoặc lặng đi, nhìn nhau rưng rưng tiếc thương một cái gì đã mất.

Còn với tôi, mỗi lần xoay khẽ kính vạn hoa kia, cả tuổi thơ lộng lẫy và đau đớn tưởng đã chìm sâu khuất lấp vào lãng quên bỗng rực lên trước mắt tôi, làm cho tôi lắm khi khó cầm được nước mắt. “Ðược tắm mình trong dòng sông trong trẻo của tuổi thơ sẽ giúp bạn gột rửa những bụi bặm của thế giới người lớn một cách diệu kỳ”, Nguyễn Nhật Ánh đã nói vậy và anh đã đúng.

Có thể nói mỗi cuốn sách của Nguyễn Nhật Ánh như mỗi chuyến tàu về tuổi thơ, ở đó có nhiều toa, mỗi toa là mỗi bất ngờ, mỗi thú vị, mỗi háo hức, mỗi say mê, khi làm ta bật cười khi làm ta rưng rưng hoặc ngồi lặng đi suy ngẫm. Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh cũng vậy. Ở toa này ta gặp những câu chuyện hài hước vui nhộn, chuyện ông Cả Hớn trúng xổ số, chuyện cu Tường làm chim xanh hay chuyện lá thư tình đầu đời của cu Thiều chẳng hạn.

Ở toa khác ta lại gặp những câu chuyện ngậm ngùi, thương xót. Chuyện cha của bé Mận bị bạo bệnh đã trốn nhà ra đi vì không muốn vợ con khốn khổ vì mình, chuyện ông Tám Tàng giả điên làm vua vì đứa con gái tâm thần luôn nghĩ mình là công chúa, ai đã đọc rồi dù muốn quên đi cũng rất khó.

Tính gây nghiện của văn chương Nguyễn Nhật Ánh trước hết là triết lý sống vì nhau xuyên suốt trục sáng tác của anh, với các em nó là bài học luân lý, là sự khám phá về cái gọi là tình người; với người lớn nó là chìa khóa mở ra biết bao nỗi ăn năn. Ai cũng vậy thôi, ít nhất một lần trong đời gây khổ đau cho người khác vì sự vô tâm, tắc trách của mình. Chìa khóa sống vì nhau đã giúp tâm hồn con người tìm về những nỗi ăn năn để thao thức cùng với nó.

Những trang sách của Nguyễn Nhật Ánh nói với chúng ta rằng tôi đã ăn năn như thế đấy, còn bạn thì sao? Cậu bé Thiều trong cuốn sách có thể không phải là Nguyễn Nhật Ánh thuở bé thơ nhưng chắc chắn đó là một nỗi ăn năn của chính anh, chính thế hệ của anh. Cái chết của con Cu Cậu đã làm cho cậu bé Thiều hoảng loạn không phải chỉ vì cái chết của một con cóc, nó là sự tước đoạt niềm vui của kẻ khác. Khi bạn tước đi niềm vui của người khác thì một phần trong trẻo trong tâm hồn bạn cũng sẽ chết theo, vì thế nó sẽ ám ảnh bạn đến trọn đời. Nào ai có dám chắc trong đời không một lần vô tình hay hữu ý tước đi niềm vui của người khác?

Trong diễn từ đọc tại lễ trao giải thưởng văn học ASEAN tại Thái Lan, Nguyễn Nhật Ánh đã nói: "Mỗi dân tộc đều có treo một quả chuông trước cửa sổ tâm hồn của mình. Nhà văn có sứ mạng phải rung những quả chuông đó lên bằng văn chương." Và thế là với Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, quả chuông của Nguyễn Nhật Ánh lại rung lên. Khi đã theo con tàu của Nguyễn Nhật Ánh để đi về tuổi thơ một lần, tôi tin mỗi lần Nguyễn Nhật Ánh rung chuông, người ta khó lòng bỏ qua một tấm vé để lại được cùng anh háo hức lên tàu.

Vô Tri - Milan Kundera

Trong Vô tri, Milan Kundera kể câu chuyện hồi hương của Irena và Josef, và ta đọc thấy qua chuyến đi khó khăn đó, họ đồng thời trở về với những đòi hỏi sâu kín của tâm tư mình.

Sau hai mươi năm sống ở nước ngoài, Irena về thăm tổ quốc Bohême và thành phố Praha của tuổi thơ cô. Thực ra, cô không háo hức với chuyến đi này lắm, vì lúc này ở Pháp cô đã sống yên ổn với công việc, căn hộ và các con. Cô về đơn giản là do sự thúc giục của chồng cô, Gustaf, một người đang thấy có nhiều cơ hội làm ăn ở Praha khi bộ máy kinh tế thị trường ở đó đang mở hết công suất. Nhưng điều làm cô đau đớn ngay trước lúc lên đường là một người bạn cô ở Paris đã xem chuyến trở về Praha này như là chuyến trở về mang ý nghĩa nhân sinh lớn lao vì không như vậy cô sẽ thiếu hẳn một chiều kích quyết định để đánh giá con người: chiều kích lịch sử. Sylvie đã phớt lờ hai mươi năm sống ở Paris của Irena - hai mươi năm ấy cô đã xây dựng cho mình một khoảng trời riêng đủ ấm áp, đủ hạnh phúc, và đủ những đường nét nhân văn chính yếu. Khi Irena nói: “Tớ sống ở đây được hai mươi năm rồi. Cuộc đời tớ là ở đây!” thì Sylvie im lặng khó chịu, ngầm muốn nói rằng (Irena) không được phép lảng tránh những sự kiện vĩ đại đang diễn ra “tại nước cậu”. Với Sylvie, đó là Cuộc Trở Về Vĩ Đại, có thể sánh với cuộc trở về của Ulysse trong sử thi Hy Lạp Odyssée.


Nhưng đó dù sao cũng là cách cư xử có phần “văn minh” và “thấu hiểu” của Sylvie, thay mặt giới trí thức Pháp, dành cho Irena, một người nhập cư đến từ một nước Đông Âu cách mạng. Thái độ phớt lờ trước cuộc sống riêng tư của Irena chưa đến mức phũ phàng. Những người bạn cũ của Irena ở Praha sẽ làm điều này. Với tư cách số đông (trong một bữa tiệc), họ không cần thay mặt ai cả, họ chính là tất cả những người “không di cư”, đã ở lại tổ quốc suốt hai mươi năm khó nhọc không có Irena. Họ không hỏi thăm lấy một lời về hai mươi năm di cư của cô. Cô muốn chọn chủ đề cho cuộc gặp gỡ và muốn được họ lắng nghe, nhưng “Đám phụ nữ nói không ngừng và gần như không thể áp đặt cho cuộc trò chuyện ấy một chủ đề (…) / ngay khi những lời của cô tách xa khỏi những mối bận tâm của họ, không ai buồn lắng nghe cô nữa cả.” Họ không uống những chai rượu Bordeau mà Irena mang về từ Paris. (Khi đã say sưa với bia, thức uống quen thuộc của quê nhà, họ mới quấy quá uống chút rượu vang).

Rõ ràng, cô bạn Sylvie và những người bạn Praha đã cố tình lôi kéo Irena vào một đại tự sự (grand narrative), không cho cô đứng ngoài một bầu trời chung. Không ai cần biết Irena rốt cuộc cũng cảm thấy mình yêu Praha biết bao, và thực sự muốn lấp đầy ý nghĩa cho chuyến trở về này bằng cách tranh thủ tìm lại một Praha với bao kỷ niệm êm đềm xa xưa, “Praha của những khu vườn bao quanh, vào lúc hoàng hôn, bí mật tiến hành lan tỏa mùi hương”. Không ai cần biết điều gì đang diễn ra trong sâu xa tâm hồn cô, kể cả người chồng đi cùng cô. Như vậy là cô đã “ngoại tình trong tư tưởng”. Không, cô sẽ đi xa hơn, cô sẽ ngoại tình trong thực tế để đẩy nhanh tiến trình đi tìm thời gian đã mất của mình. Cô tự tìm đến Josef, một người bạn trai từng tán tỉnh cô ngày xưa. Anh ta cũng là người di cư bất đắc dĩ như cô và tình cờ đi chung chuyến bay về Praha với cô. Cô để cho toàn bộ thân thể và bản năng mình đón nhận cảm giác hoàn toàn trở về. Nhưng rất nhanh cô nhận ra mình đã bị bỏ rơi giữa đường, theo đúng nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Josef bỏ cô nằm trần truồng trên giường để thoát đi cho kịp chuyến bay rời Praha.

Nhưng Irena không chỉ là nạn nhân. Khi đã có một Praha xa xôi, chập chờn, bí mật cho riêng mình, chính cô cũng phớt lờ một Praha cụ thể, sinh động, rộn ràng của Gustaf chồng cô.

Josef thì sao? Anh ta không đến mức tệ hại như chúng ta tưởng tượng. Anh cũng là kẻ thất bại trên đường trở về. Nhưng anh sớm biết thân biết phận: anh biết mình là kẻ có tội, một kẻ đào ngũ; họ đã lấy nhà cửa của anh và nhất là bức tranh quý giá của một họa sĩ tặng cho anh… “Anh không cảm thấy chút hứng thú nào với việc ngoái nhìn lại sau lưng và cố làm việc ấy càng ít càng tốt.” Sự gắn kết với hiện tại giúp anh xua đuổi dễ dàng các kỷ niệm. Anh sáng suốt khi tự nhủ “mình chỉ có một cuộc đời và mình muốn sống ở nơi khác” và anh muốn hoàn thành lịch sử của cá nhân mình với tất cả sự ngậm ngùi lẫn dửng dưng khi cố gắng thoát ra khỏi những cái bẫy quá khứ giăng đầy. Cuộc sống riêng tư của anh có thể sẽ rất tẻ nhạt, nhưng biết sao được, vì đó là chọn lựa của anh, chọn lựa quên lãng tất cả và sẵn sàng chấp nhận bị lãng quên.

Như thường thấy trong các tiểu thuyết của Milan Kundera - khảo sát một hiện hữu thể nghiệm, Vô tri khảo sát cái tôi trong tương quan với các chìa khóa hay mật mã cuộc sống: trí nhớ, những kỷ niệm, sự hồi hương, chiều kích lịch sử - chính trị của con người, xung đột giữa đại tự sự và tiểu tự sự…

Hiệu ứng Facebook - Mark Zuckerberg

Hơn 6 năm qua, mạng xã hội Facebook đã thu hút hơn 500 triệu người sử dụng, kéo về phía mình toàn bộ phần thời gian rảnh rỗi ít ỏi còn lại của nhân loại và tạo ra những dạng « tổ chức » mới giữa những người xa lạ.

Facebook là một trong những công ty có tốc độ phát triển nhanh nhất trong lịch sử, trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống xã hội, không chỉ đối vói giới trẻ mà còn với hàng triệu người trưởng thành trên toàn thế giới. Facebook nhanh chóng « phát tán » đến tất cả mọi ngõ ngách trên toàn cầu và tạo ra những hiệu ứng đáng kinh ngạc. Nó thay đổi cách mọi người liên lạc và tương tác với nhau, cách các công ty quảng bá và chào bán sản phẩm, cách chính quyền vươn tới người dân, và cách các công ty hoạt động. Thậm chí còn trở thành một công cụ chính trị hữu hiệu ở nhiều khu vực, điển hình như Columbia và Iran.

Không chỉ có vậy, người sáng lập nên Facebook - Mark Zuckerberg – nhanh chóng trở thành một trong những tên tuổi nổi tiếng và có tầm ảnh hưởng nhất trên thế giới.

Vậy làm thế nào một sinh viên Harvard 19 tuổi có thể tạo ra một công ty có khả năng thay đổi cách thức giao tiếp trên Internet của con người. Làm thế nào Facebook có thể mở rộng và đạt đến quy mô như ngày nay. Những tác động nào của Facebook đối với đời sống kinh tế, văn hóa, chính trị của toàn nhân loại mà chúng ta chưa biết đến.



Trong cuốn sách bestseller của mình, nhà báo kỳ cựu về lĩnh vực công nghệ thông tin của tạp chí Fortune – David Kirkpatrick - đã mang đến cho độc giả một câu chuyện sống động, chân thực và hấp dẫn về cội nguồn cho sự ra đời và quá trình hình thành của Facebook, những khó khăn ban đầu cũng như những thành công đáng ngưỡng mộ của nó. Cuốn sách cũng sẽ mang đến cho độc giả những câu chuyện thú vị về hiệu ứng tích cực mà Facebook đang tạo ra cho toàn nhân loại. Những thông tin mà không nơi nào khác có được.

Dưới ngòi bút của David, độc giả cũng sẽ nhận thấy rằng yếu tố đưa đến sự phát triển, sự thu hút của Facebook không phải ở chỗ đơn thuần chỉ là sự yếu tố thương mại trực diện mà chính là sự chia sẻ, truyền nhiệt từ tất cả những con người có chung mối quan tâm, niềm đam mê để từ đó tạo ra những hiệu ứng tích cực cho cộng đồng, tổ chức và doanh nghiệp. Đó mới chính là giá trị sâu sắc vượt trên cả mục tiêu đơn thuần là lợi nhuận của một công ty. Và đó cũng là bài học cho bất kỳ doanh nghiệp nào đang trên con đuờng tìm kiếm thành công.

Người giỏi không phải người làm tất cả! Donna M.Gennet

Sau 1 tuần làm việc mệt mỏi thì cũng có 1 tối thứ hai (^^) thư thả, thế là lấy một số cuốn sách vừa mua ra nằm đọc. Cuốn đầu tiên mình đọc đã thấy khá hay nên viết Review này cho mọi người.

Hôm nay mình sẽ giới thiệu tới các bạn cuốn sách “Người giỏi không phải là người làm tất cả” của tác giả Donna M.Gennet. Đây là 1 cuốn sách được viết khá nhẹ nhàng. Sách khổ nhỏ và chỉ có khoảng 100 trang mà chữ lại khá to (khoảng font 14px) nên mọi người dành khoảng 1 tiếng là xong cuốn sách thôi. Còn về giá thì chỉ có 24k, Hi sinh 1 bữa ăn sáng và 1 bữa ăn trưa là có sách để đọc rồi.


Mục tiêu chính mà sách muốn đề cập đến chính là quá trình ủy quyền (hay giao việc) của người quản lý. Sách chỉ ra 1 số điều căn bản cần phải lưu ý khi giao 1 công việc cho cấp dưới hoặc khi cấp dưới nhận được 1 việc được giao thì cần phải nói điều gì với cấp trên để giúp công việc được hoàn thành thuận lợi và nhanh chóng.

Cốt truyện của sách cũng giống như 1 số sách kinh doanh khác đó là lấy cốt truyện của 1 công ty. Trong trường hợp này là 1 công ty mà trong đó Jones và James là 2 anh em họ và đều làm chức vụ quản lý trong công ty. Jones thì luôn có nhiều thời gian làm điều mình thích và dành cho gia đình sau giờ làm việc còn James thì luôn căng thẳng, bực bội để giải quyết hàng đống hồ sơ,công việc mỗi ngày và quên hết thời gian dành cho mình và gia đình. Sách đã đưa những tình huống để James đến tìm hiểu cách quản lý của người anh em Jones vì cách quản lý của Jones quá tốt còn mình thì ngược lại.

Trong sách có một câu khá hay mà Jones nói với James, viết lên đây để chia sẽ với mọi người. Câu đó là:

“Chúng ta luôn sẵn sàng đón nhận những điều mới lạ và khó khăn hơn nếu trước đó ta đã đạt được một số thành công nhất định“.

Sao biển và Nhện - Ori Brafman

"Sức mạnh Không Thể Ngăn Cản Nổi Của Cơ Cấu Phân Quyền”



Vừa đọc xong cuốn này, nhân cảm hứng còn chưa vơi nên vội vàng nhào lên viết review để chia sẽ với các bạn về cuốn sách khá thú vị này.

Sao biển và Nhện
là câu chuyện lấy hình ảnh từ 2 loài là Sao biển và Nhện để làm đại diện cho 2 mô hình tập trung và phân tán. Sách trình bày và phân tích các đặc điểm, giống và khác nhau giữa 2 hệ thống tập trung và phân tán cũng như ưu và nhược điểm của chúng.

Sách giới thiệu về Nhân tố xúc tác, nếu có đọc cuốn điểm bùng phát thì nhân tố xúc tác là 1 thành phần quan trọng trong 1 hệ phân tán. Nhân tố xúc tác là nhân tố truyền cảm hứng cho 1 hệ phân tán, giúp hệ thống dễ lan tỏa và mở rộng hơn.

Với các ví dụ cụ thể về việc áp dụng mô hình sao biển đã dẫn đến thành công của một số sản phẩm như Internet, eMule, eBay, Amazon, skype, Wikipedia, Google,…đồng thời chỉ ra các thất bại trong quá khứ vì đã áp dụng hệ thống tập trung.

Sách còn chỉ ra một số quy tắc giúp chống lại sức mạnh, sự bành trướng của các hệ phân tán như: thay đổi hệ tư tưởng, tập trung hóa và tự phân tán. Bên cạnh đó, sách còn chỉ ra một số quy tắc áp dụng hệ thống sao biển (phân tán) cho thời đại ngày nay.

Với lối kể chuyện cuốn hút và khá nhiều câu chuyện thực tế, đặc biệt là trong lĩnh vực Internet, cuốn sách chắc chắn mang lại nhiều hứng thú cho các bạn nào quan tâm đến mảng phân tán. Kể từ khi đọc cuốn “Cái đuôi dài” và “Điểm bùng phát” thì cuốn này mang lại khá nhiều cảm hứng về mô hình phân tán cũng như các ý tưởng về xây dựng các mạng phân tán, mạng xã hội.

Sách khổ nhỏ của nhà xuất bản Tri thức, giá chỉ 48k và không dày, chỉ có khoảng 260 trang nên đọc nhanh lắm.

—————-
Lời tựa từ sách:

“Nếu bạn cắt mất đầu của một con nhện, nó sẽ chết. Nhưng sao biển không có đầu, và nếu bạn cắt một trong những cái chân của nó, cái chân này sẽ nhanh chóng tái sinh thành một con sao biển mới.”


Quy luật sinh tồn của sao biển và nhện đã được Ori Brafman và Rod A. Beckstrom khái quát thành quy luật sinh tồn của một hệ thống, một tổ chức. Có những gì ẩn giấu đằng sau thành công của Wikipedia, cragslist, Skype hay eBay? Đương nhiên không phải chỉ đơn giản là “úm ba la” biến tổ chức của mình thành một con sao biển không có đầu. Một con sao biển hay một con nhện đều có những ưu thế riêng, và bí mật của thành công là phải tìm ra được “điểm mật” của hai hệ thống đó. Cuốn sách đưa ta đi từ ngạc nhiên này sang ngạc nhiên khác, cho ta một cách nhìn mới về thế giới, khám phá những quy luật kinh tế bằng những triết lý giản dị và sâu sắc.

Một trong 10 cuốn sách kinh tế hay nhất năm 2006″ – Amazon.com

1. Điều gì đứng sau thành công của Wikipedia, craigslist, hay Skype?

2. Đâu là điểm chung giữa eBay với phong trào nữ quyền?

3. Và vì sao việc thắng kiện tại Tòa án Tối cao Mỹ lại là sai lầm lớn nhất mà MGM từng phạm phải?

Các câu trả lời đều có tại “Sao biển và nhện”

Số nguyên tố cô đơn

Trời, cuối cùng sau bao nhiêu nỗ lực cố gắng, mình cũng đã đọc xong “Nỗi cô đơn của các số nguyên tố” của anh Paolo đẹp trai. Quyển này đọc bị đứt quãng, cứ khoảng 100 trang lại có chuyện phải làm, bỏ 4,5 ngày mới cầm lên đọc lại được. Mỗi lần đọc lại lại phải dời ra đoạn trước khoảng 20 trang mới bắt lại được nhịp truyện, cũng tại dạo này hay đọc trước quên sau…




Sách hay, nhưng ảm đạm quá. Cái hồi đọc “Cô đơn trên mạng”, lòng mình tràn ngập nỗi cô đơn, bi thiết & thống khổ, nhưng cũng không thấy u ám bằng quyển này, toàn bộ từ trang đầu tiên đến những dòng chữ cuối cùng của quyển sách là một sự cô đơn bất tận, cái vực thẳm nội tâm tăm tối mà ở đó, con người đối diện chính bản thân mình bằng một sự sợ hãi tự phát, những nỗi niềm riêng không có nhu cầu được nói ra nhưng cứ bộc phát như thể một chiếc máy được lập trình sẵn…

Họ, hai con người, một Alice đầy thất vọng về cuộc sống, ức chế vì chiếc chân bị tật nguyền, căn bệnh vô sinh, một tuổi thơ nhiều vết xước đã để lại trong cô những ủy mị ảm đạm về quan niệm của cuộc đời, một Mattia xuất hiện trên cõi đời như một thần đồng toán học, nhưng luôn bị ám ảnh bởi những con số, những giá trị logic và hơn bao giờ hết, bị hấp dẫn bởi những con số nguyên tố & ví von nó với chính bản thân mình. Vậy thì ít ra, Mattia còn hơn Alice được một vài điểm, hiểu rõ bản thân mình muốn gì, cần gì, chỉ là anh chưa biết cách khai phá nó, còn Alice thì dường như đã đi hết cuộc đời mà vẫn chẳng biết mình đang ở đâu, phải đi về đâu…
Quyển sách ví những con người này như những số nguyên tố cô đơn, nói chính xác hơn là những “cặp số nguyên tố” cô đơn, bên cạnh nhau nhưng luôn bị ngăn cách bởi một số chẵn nào đó. 5 & 7 chẳng hạn, luôn bị ngăn cách bởi số 6, số 6 tượng trưng cho cái vực thẳm nội tâm mà mỗi con người tự xây lên cho mình. Nói vậy thì, bất kỳ mỗi chúng ta đều có thể, hay đã từng là một số nguyên tố, cái quan trọng là chính bản thân chúng ta có chấp nhận để cho mình trở thành một số khác đi, đồng ý để bản thân mình “được chia” cho một số khác, hay tiếp tục lựa chọn gặm nhấm nỗi cô đơn do chính bản thân tạo ra, bởi không biết cách chấp nhận một điều gì khác ngoài những thứ mình lựa chọn.

Tư tưởng chủ đạo của quyển sách này có thể phù hợp với mình 3 năm về trước. Còn bây giờ thì không. Mình bây giờ quan niệm khác hẳn: sự cô đơn không hề tồn tại một cách khách quan. Nó chủ quan & bị sinh ra bởi sự cố chấp, khó chịu & những nỗi đau mà con người tự chuốc lấy. Sự cô đơn là do chính bản thân mỗi chúng ta tự tạo ra cho mình, bởi không biết cách học hỏi để chấp nhận cuộc sống & những điều bi kịch như một quy luật khách quan của cuộc đời. Chính thái độ chứ không phải hoàn cảnh đã kiến tạo nên bi kịch, và dĩ nhiên, nỗi cô đơn rồi cũng sẽ tan biến nếu chúng ta biết cách đổi thay…

Lên tiếng về tư tưởng này có vẻ hơi Macxit, thì đành rằng bất kỳ ai đó cũng đã từng “đau khổ”, và trên cõi đời này còn có rất nhiều kẻ “cô đơn” đến đáng thương. Nhưng không hiểu sao đọc quyển sách này, mình không thấy thương cảm mà còn thấy….giận ghê gớm. Tại sao Mattia không biết tha thứ cho bản thân mình vì đã phạm một lỗi lầm từ thời thơ bé, tại sao Alice không hiểu được tình yêu của bố mình khi ông bắt cô phải làm những chuyện mà mình không thích, tại sao tất cả bọn họ đều thích gặm nhấm nỗi cô đơn & cơn hận của mình suốt mấy chục năm trời mà oán hận không thể phôi phai.

Làm gì có điều gì là vĩnh cửu ? Trong cuộc sống bộn bề đầy phức tạp & những chuyển động thời nay, ngay cả những kỷ niệm đẹp nhất cũng tàn lụi theo thời gian, thì nỗi đau & những hận thù dù có sắc bén nhất cũng có ngày mòn rục theo năm tháng. Ôm làm gì mỗi nôi cô đơn đau đáu, để tự cắt nát bản thân mình thành những mảnh vụn không màu, không mùi nhưng tướm máu?

Truyện không có kết thúc đẹp. Chỉ duy nhất vài dòng cuối cùng có thể biểu trưng cho một sự tươi sáng trong tâm trí, là cái cảnh Mattia đứng trước biển hít thở lấy lồng lộng khí trời, nghĩ về một cô gái khác ngoài Alice, còn Alice thì đang chiêm nghiệm lại toàn bộ quá khứ của cuộc đời mình, để rồi mỉm cười vì giờ đây mình đã có thể tự đứng dậy. Ừ, Paolo không viết truyện cổ tích, ông viết về sự trần trụi của cuộc sống & nỗi cô đơn mà chúa trời đã ban cho mỗi con người, và những con người đó, họ đã chọn cho bản thân mình trở thành một số nguyên tố…

Có thể tác giả không có ý muốn nói “Toàn bộ quãng đời của nhân vật trong cuốn sách đều cô đơn & đen tối”,mà chỉ muốn nói “Một số giai đoạn & thời điểm trong quãng đời ấy thật cô đơn & đen tối”, nhưng chính bản thân tác giả lại làm cho không khí quyển sách mang một màu sắc u ám & bi thương đến vậy. Ôi, tuổi trẻ, đây là tuổi trẻ đây sao? Vô vọng & bế tắc…

Hãy cứ nhớ, bất kỳ ai cũng có thể đã từng có một tuổi thơ nhiều vết xước, bất cứ ai cũng có một điều gì đó để hối hận, bất cứ ai cũng có nỗi niềm riêng. Nhưng tất cả những thứ đó không quan trọng, vì cái quan trọng là cái cách mà chúng ta đối xử với những điều gai góc đó.

Ôm lấy nó & đau khổ với nó hay để cho oán hận được phôi phai. Tất cả đều do ta lựa chọn mà thôi…

Tình yêu kéo dài 3 năm

“Tôi nói về sự thất bại, với tất cả uy quyền”

“Tình yêu kéo dài 3 năm”
là một quyển sách của tác giả người Pháp Frederic Beigbeder, kể về một nam nhân vật chính là Marc Marronnier – một nhà văn, nhà báo chuyên viết về các đề tài ăn chơi của giới thượng lưu, bỗng một ngày cảm thấy mất phương hướng vì cái mà người ta vẫn hay gọi là “tình yêu”. Tính yêu kéo dài 3 năm, điều này không chỉ đúng về mặt khoa học, được chứng minh bằng việc các chất kích thích sản sinh ra trong tinh yêu chỉ có thể gây tác dụng trong vòng 3 năm. Đó là về mặt hóa học, còn ở khía cạnh xã hội học, người ta thấy chán nhau sau 3 năm, và mặc dù bạn có sống với nhau nhau mấy chục năm đi chăng nữa, thì tình yêu rốt cuộc cũng đã chết rồi.




Xuyên suốt quyển sách, toàn bộ nội dung là những cái tát dành cho ai tin rằng tình yêu là thứ tồn tại vĩnh cửu. Bằng chất giọng châm biếm sâu sắc, cay độc, lối sử dụng ngôn từ linh hoạt, thẳng thắn, mạnh bạo, tác giả dần dần đưa ra ánh sáng từng bí mật một của tình yêu, những chân lý có lúc đơn giản có lúc phức tạp, nhưng phù hợp với thực tế, được phơi bày trên mặt sách như một bằng chứng “hảo hạng” cho sự chết yểu của tình yêu. 3 năm ư? Gì mà ít vậy, liệu đó chỉ là những lời nói ngông cuồng của anh chàng Marc Marronier nói ra trong sách, hay điều này đúng ngay cả với đời thực, rằng mọi cuộc chơi rồi cũng phải tàn ở cột mốc 3 năm?

Trong truyện, Marc vừa mới ly dị vợ mình, Anne, và đem lòng yêu một trong những “người tình” của mình, Alice, đã có chồng. Marc liên tục đấu tranh để cướp được Alice, vì tình yêu “bạo liệt bởi không được đáp lại”, vì sự “mất ham muốn đối với những gì đã có là vợ mình”, vì thói quen ngông cuồng của một dân ăn chơi sành điệu, hay liệu Marc vẫn tin rằng hai người họ đáng lẽ phải thuộc về nhau? Không biết được, không ai biết được. Lối kể chuyện “độc thoại” của Frederic thỉnh thoảng làm người xem hơi…”mệt”, đọc cả quyển sách cứ như đứng trước mặt một thằng cha nhiều chuyện cứ huyên thuyên hết ngày này sang người khác về tình yêu và những định nghĩa tình yêu vậy. Nhưng bằng đầy đủ sự quyền lực và từng trải, tác giả đã để Marc nói ra những câu “châm ngôn” bất hủ làm chấn động lòng người, làm người ta trở nên nghi ngờ hơn về tình yêu. Ừ, đúng rồi, tình yêu chắc cũng ngắn ngủi vậy là cùng, liệu mình có nên tiếp tục cùng anh ấy/cô ấy không nhỉ, hay nên chia tay luôn từ bây giờ cho khỏe? Tình yêu kéo dài 3 năm, và hôn nhân chỉ có một nghĩa vụ duy nhất là giết chết tình yêu, vậy thôi đừng cưới, cứ sống những cuộc sống tạm bợ như vậy cho chắc ăn….

Đọc sách của Frederic rất dễ để pass qua nhiều đoạn, bởi có mấy khúc nói nhiều quá mà phải căng óc ra mới suy nghĩ được hết tác giả nói gì, nhưng lát sau lại lật ngược trở lại để đọc mấy chỗ còn thiếu đó vì hóa ra mấy chỗ đó quan trọng hơn mình tưởng. Cứ vậy mà mình đọc hết “Tình yêu kéo dài 3 năm” với tràn ngập nỗi bi thương, sự thống thiết trong tình yêu, ngoại trừ…

….mấy trang cuối. Tác giá lật ngược thế cờ bằng một vài con chữ. Thật khó tin một quyển sách u ám như vậy lại tạo ra một cái kết thật “happy ending” đúng nghĩa, lãng mạn, tuyệt vời và đáng mong đợi đến vậy. Bằng tất cả sự dịu dàng, thành khẩn, những trang cuối của quyển sách là một cú “shift + delete” dành cho những triết lý mà tác giả dựng nên ở trang đầu tiên. “Tình yêu kéo dài 3 năm” là tình yêu nguyên khối từ trên trời rơi xuống, là thứ tình yêu chưa phải lên núi cao và đi xuống biển sâu. Người ta cần phải trải qua nỗi bất hạnh trước rồi mới có thể hạnh phúc trọn vẹn, tác giả nói vậy, và bày tỏ hy vọng cái tựa đề “dối trá” của quyển sách sẽ không làm các độc giả của ông bực mình, bởi dĩ nhiên là tình yêu không kéo dài 3 năm, và ông sung sướng vì đã nhầm.

Quyển này là quyển thứ 3 năm trong series truyện về nhân vật Marc của Frederic, nhân vật có nhiều nét tương đồng với chính bản thân ông ngoài đời. Cuốn đầu tiên ông viết về nhân vật này là “Hồi ký của một thanh niên bị quấy rầy”, cuốn thứ hai là “Kỳ nghỉ trong cơn hôn mê” và cuốn thứ 3 là cuốn này, theo đúng thứ tự diễn tiến: yêu nhau, lấy nhau, bỏ nhau và lại…yêu một người khác. Cái vòng tròn tình ái lại đã xoay theo đúng số phận của nó.

Đọc quyển này, gần như 90% là bạn sẽ thấy mình ở đâu đó trên những trang sách, bị thứ triết lý chán đời về tình yêu bới móc lại những kỷ niệm cũ ngỡ rằng đã chết trong bạn. Nhưng không sao, bởi mọi thứ kỷ niệm về tình yêu đều chỉ là những kỷ niệm đẹp, những thứ buồn phiền đã trôi theo thời gian và ngày nay đã không còn giá trị nữa, chỉ những điều thiêng liêng mới đáng lưu giữ qua hơn thời gian 3 năm…

3 năm, đó không chỉ là một con số.

Em còn nhớ anh???

Trước hết, phải nói rằng đây là một quyển sách thú vị, hài hước nhẹ nhàng, triết lý vừa đủ, ngôn ngữ vừa tầm, không có gì đáng để chê trách nhưng cũng không được gọi là xuất sắc. “Em còn nhớ anh” chỉ dừng lại ở mức độ là một quyển sách nhẹ nhàng, sâu sắc thoáng qua, đọc dễ chịu và kết thúc bằng một cái “happy ending” rất chi là cổ tích và rất chi là…con gái. Con gái nhưng cũng có nhiều thứ để đọc lắm chứ không phải giỡn.

Tác giả của cuốn này là Shopie Kinsella, người viết bộ truyện lừng danh “Tín đồ Shopping”. Bộ “tín đồ shopping” này tui chưa có đọc cuốn nào hết, hé hé, mới coi phim hà, mà coi phin xong thấy cũng ổn nên cũng lười coi truyện, thường tui coi phim chuyển thể thấy…dở quá mới nhảy sang coi truyện, còn phim mà hay thì thôi lười coi truyện lun, tại trong đầu tui nghĩ chắc nếu phin hay thì tác giả đã chuyển tải hết được cuốn sách rùi, coi mần chi nữa. Nhưng với sách thì ngược lại hen, sách càng hay thì càng háo hức được coi phin (điển hình như tui đang đợi mỏi mòn cái ngày Eat, Pray, Love được chiếu chẳng hạn), còn sách dở thì thôi, coi mần gì cho mệt ^^.


Vậy là “Em còn nhớ anh” là quyển đầu tiên tui đọc của cô tác giả này, thấy cũng được ghê chứ. Có mấy đoạn đối thoại cũng độc lắm, dù chưa đến nỗi xuất sắc như thoại của chú Marc Levy hay cô Lauren Weisberger nhưng nói chung là có mấy khúc cũng làm tui phải bật cười. Điều đáng tiếc là cuốn này cũng mắc lỗi giống như rất nhiều các cuốn tiểu thuyết khác mà tui đọc là hơi bị đuối ở khúc cuối, càng về sau tiết tấu càng loãng, tác giả dường như không giữ nổi cái không khí truyện như lúc đầu nên nhiều khi quăng ra cái kết hơi vội. Hụt hẫng là chỗ đó, nhưng cũng thông cảm vì dù sao như vậy sách cũng khá là dài rùi, bự chà bá lun đó. viết sâu sắc và kỹ lưỡng hơn nữa chắc đọc cả tháng chưa xong ^^.

Cuốn này viết về 1 cô gái tên Lexi, truyện mở đầu bằng một bối cảnh rất…bi thảm là cô Lexi này là một cô gái hoàn toàn thất bại: xấu xí, nhà nghèo, bố vừa mất, bồ thì hẹn không tới, cô ngồi uống rượu ở quán bar cùng đám bạn sau đó bước ra ngoài đón taxi và….té. Sau đó Lexi thức dậy vào một ngày đẹp trời cách đó….3 năm sau, tức từ năm 2004 sang tới năm 2007, Lexi thảng thốt nhận ra cuộc sống mình đã thay đổi quá nhiều trong 3 năm đó, thay đổi, tất cả mọi thứ.

Điều đáng nói là Lexi không hôn mê trong 3 năm đó mà cô chỉ bị mất ký ức về 3 năm ấy, theo một cách nào đó rất…bí ẩn, Lexi từ một cô gái thất bại trở thành một người phụ nữ “đanh thép” rất thành công, sự nghiệp rực rỡ, chồng đẹp zai khoai to, con nhà giàu học giỏi, tuy nhiên, Lexi của 3 năm sau có mệnh danh “rắn hổ mang” mà không có bạn bè, bị bỏ rơi giữa những chông gai của cuộc sống. Vậy đâu mới là cuộc đời thực của cô, Lexi 3 năm về trước hay Lexi của hiện tại, với cuộc sống vật chất trong mơ nhưng tâm hồn thì lãnh cảm?


Không giống với những motip “mất trí nhớ” thường thấy, Lexi chỉ quên đi đúng 3 năm quan trọng nhất của cuộc đời mình chứ không phải mất hết toàn bộ như nhìu phin hồng kong mà ta hay coi khi xưa. Kể ra vậy cũng hay hen, nhiều lúc trí nhớ còn vẹn nguyên vầy, mà nhìn tui lại 3 năm về trước so với bây giờ tui còn thấy ngạc nhiên vì sự thay đổi của mình, huống chi là cô này cổ hổng nhớ gì hết. 3 năm mà, có nhiều sự thay đổi lắm đó nghen, nhất là trong thời đại bùng nổ thông tin bi giờ, trốn đi đâu đó 1 tháng là thấy mình thành người rừng mẹ rồi chứ nói gì 3 năm. Cũng chính vì vậy, con đường tìm kiếm lại ký ức và cuộc đời của Lexi chông gai hơn cô tưởng, nhưng cũng nhờ sự kiên cường bất khuất và không chịu đầu hàng số phận, Lexi đã tìm lại được bản ngã thực sự của con người mình sau những ngày dài đấu tranh mệt mỏi. Cái kết của truyện thực sự là một cái kết hay, dù hầu hết mọi người đều đoán được nó: Lexi chẳng nhớ lại được gì cả, 3 năm đó vẫn là 3 năm trống trơn trong ký ức của một cô gái, nhưng quan trọng là tất cả đã an lành, bởi Lexi đã vừa trở lại là một cô gái ngây thơ, hiền ngoan, vừa có dáng đẹp, đồ hiệu và một người yêu giàu có, một sự nghiệp vững chắc. Có thể chia cuộc đời của Lexi ra làm 3 giai đoạn: thất bại nhưng tâm hồn đẹp đẽ, thành công nhưng tâm hồn lãnh cảm, và giai đoạn sau cùng là thành công nhưng tâm hồn thì viên mãn với hạnh phúc, kể ra thì cũng đáng với…2 cái tai nạn và những gì cực khổ mà cô nàng Lexi này phải cam chịu :d

Nói chung, sách không xuất sắc nhưng tui vẫn thích, vì cái….bìa nó đẹp, tác giả nói 1 vài câu mà tui tâm đắc, truyện dễ đọc, thoại hài hước và quan trọng là…happy ending, vì tui là một đứa vốn hay mơ mộng và tôn thờ những điều kỳ diệu mà :d nên cái nào có kết thúc dzui là tui khoái hết, bởi dzị đừng hỏi vì sao yêu anh Marc Levy ^^. Cuốn sách này thấy vậy cũng có ích lắm nghe vì nó gợi cho tui phải suy nghĩ lại về nhiều thứ của cuộc đời mình, mà quan trọng nhất là liệu mình đã thay đổi những gì trong 3 năm vừa qua, tui có bị biến chất như Lexi đã từng không? rốt cuộc tui tìm được câu trả lời là…không, tui vẫn còn hiền ngoan ngây thơ trong trắng đáng yêu như ngày nào, nên túm lại là tui rất hạnh phúc vì điều đó. À có một thứ thay đổi cũng khá là đáng kể là nhan sắc đó mà, thôi kệ, trời bắt…càng ngày càng đẹp thì tui chịu chứ sao giờ, mí cái đó đâu có chống cãi được, điều kiện khách quan mờ, hớ hớ ^^.


Cuốn này bạn nào yêu thích cốt cách văn học hàn lâm quá, hoặc thần tượng Murakami chắc càng ko nên đọc, vì so với một mớ kiến thức lù bù mà sách nào của Murakami cũng có thì “Em còn nhớ anh” hơi bị nhạt nhẽo vì đa số chỉ toàn là nói chuyện giao đãi, tình củm vụn vặt và những dòng cảm xúc đan chéo của một vô gái phân vân giữa tuổi 25 và 28, không có gì là sâu sắc, ám ảnh hay khúc chiết hết trơn. Túm lại là nằm trùm chăn, bật quạt, dạng chân đọc trong 1 chiều mưa rất hợp đó bây à, đọc xong rùi suy nghĩ chút đỉnh rùi quên lun cũng hay. Hay lúm ý.

Bởi có nhiều thứ, đôi khi sinh ra để quên, và quên sạch thì lại càng tốt hơn. Như Lexi vậy đó, trải qua bao nhiêu giông bão mới thành công được như bi giờ. Đùng một cái, thành công thì vẫn còn nhưng giông bão ký ức thì đã mất. Lexi lại trở về với con người thành thiện của mình 3 năm trước. Tui cũng muốn vậy á: vẫn thành công, viên mãn với hạnh phúc và sở hữu những gì mình đang có hiện giờ, nhưng quên hết mọi khổ đau mà mình đã từng trải qua đi, để có thể trở lại là một con người ngoan hiền như trước. Chứ giờ tui thấy tui ác quá, hic hic, dù sự thật phũ phàng mà vẫn phải chấp nhận :d

Bởi vậy mới nói, trên đời, cái gì cũng có cái giá của nó.

Cưỡng cơn gió bấc

Cưỡng cơn gió bấc làm tui nhớ Cô đơn trên mạng đến da diết, nhớ tới một Jakub đầy lý tính nhưng cũng hết sức tình cảm, tinh tế và ngọt ngào. Một thiên tình sử đầy gian dối, thực dụng và nhiều tội lỗi nhưng không thể cưỡng lại, như cơn gió bấc đầu mùa đã tràn qua đây, len vào cửa sổ đòi hỏi con người phơi trần cái sự thật cảm xúc của bản thân mình. Như chính bản ngã của cái lạnh, thấu hết tâm can từ trong xuyên ra, như tình yêu, như định mệnh…


Cưỡng cơn gió bấc có lối đối thoại đầy sức ma mị, nhiều mãnh lực và cuốn hút đến từng dấu chấm. Tất cả mọi ngôn từ đều toát lên vẻ huyền bí và thông minh bậc thầy của nó. Leo, một nhà tâm lý học ngôn ngữ chuyên nghiên cứu khả năng giao tiếp và ngôn ngữ của con người trên những bức email, và Emmi, một cô gái hết sức bình thường với một gia cảnh cũng khá bình thường (dù lắm bi kịch), họ đã gặp nhau, hiểu nhau, mến nhau, và yêu nhau chỉ thông qua những câu chữ. Những câu chữ có khả năng nhìn thấu thế giới, kiến tạo và xây dựng những tưởng tượng mơ hồ mà người ta nghĩ về nhau, và tất cả những thứ đó rốt cuộc, cuối cùng cũng không thể thoát được vòng tròn định mệnh.

Cưỡng cơn gió bấc là một cuốn sách đáng đọc, nếu bạn đang muốn thấu hiểu tình yêu và đang mất dần niềm tin với những tình yêu “trên mạng”, những tình yêu xa xôi không có hứa hẹn “đến đâu là đến đâu”, những tình yêu không có khoảng cách mà thay vào đó là những lỗ hổng chân không, nó hút tất cả mọi thế giới quan của hai người đang yêu vào đó và trộn lẫn chúng với nhau, những tình yêu mà ta không thể nào hiểu ra được cho đến khi bản thân mình tự trải nghiệm nó…


Cưỡng cơn gió bấc cũng có kết thúc gần giống như Cô đơn trên mạng, một sự “tái thiết lập” hoà bình đầy đau đớn sau chiến tranh, như chú thỏ non trở về khu vườn ngây dại của mình sau nhiều giờ đùa chơi với sói, vết rách đầy mình và chân tướm máu, để rồi tiếp tục tướm máu mãi mãi về sau đó cho đến cuối cuộc đời, vì đã dại dột trót yêu và bỗng dưng lãng quên một tình yêu ngọt ngào và mãnh liệt. Nhưng sói là sói, và thỏ là thỏ, mãi mãi hay muôn đời chẳng thể kết hợp được với nhau…

Cá nhân mình thấy truyện này buồn, quá buồn, nhưng không phải là cái nỗi buồn “tắt thở” như Cô đơn trên mạng đã từng kiến tạo nên, Cô đơn trên mạng là một bức tranh đặc sắc, bao trùm, nó gây chấn động bởi nhiều thứ râu ria trong một tổng thể u ám và bi đát, còn Cưỡng cơn gió bấc mang nặng tính bi kịch cá nhân, sự dằn dỗi trong chính bản thân của mỗi người và nó cũng hết sức… Hàn Quốc, cũng trẻ con, cũng đàn bà, cũng là những nỗi buồn và nút thắt vô cớ, nhưng tất cả mọi thứ đó lướt qua đều rất nhẹ nhàng và êm ái, như một vệt màu, hai vệt màu, rồi 10 vệt màu nhỏ nhoi quét xuyên suốt trên tấm lụa trắng, một tác phẩm nghệ thuật đầy nỗi buồn nhưng lắm niềm vui, và ngược lại.

Thủ pháp nghệ thuật của Daniel Glattauer trong cuốn này khá nhiều, nhưng bí ẩn và tinh tế, dụng công dụng chữ nhưng không khiến cho người đọc có cảm giác bị tác giả khoe khoang, kiến thức rộng và khả năng đào sâu đến tận cùng chân tướng của sự vật đã khiến cho Cưỡng cơn gió bấc trở thành một tác phẩm có sức quyến rũ chết người. Dịch giả Lê Quang dịch cuốn này hay, có đầu tư và giọng văn thanh thoát.

Khuyết điểm của quyển sách này là “thần tượng hoá” tình yêu trên mạng, mọi thứ diễn ra có vẻ trơn tru và mang hơi hướm cổ tích nhiều quá, là sự kết hợp giữa Marc Levy và Janusz Leon Wísniewski (không bao giờ nhớ nổi tên của cha này), một sự giao thoa tài tình.

Ngày đầu tiên, Marc Levy - Không có j là vĩnh cửu..

Không có gì là vĩnh cửu, kể cả tình yêu đối với một tác giả văn học nào đó. Nhất là khi chúng ta đã lớn lên, trưởng thành, thôi mơ mộng, trở nên khó khăn và lạnh nhạt hơn với những giá trị mà mình từng yêu quý. Là ta thay đổi, hay vạn vật thay đổi, hay cả hai, mà ta đang mất dần những khát vọng cũ để thay vào đó bằng những điều mới hơn? Như ngôi sao của Ngày đầu tiên đã xa cách chúng ta 400 triệu năm, và vĩnh viễn sẽ không thể nào tồn tại nữa…

Nhưng có một thứ duy nhất là vĩnh cửu, đó chính là “ký ức”, và sự tiếp nối của những thế hệ đi tiếp nhau, khi chúng ta lớn lên và để lại những quyển sách đằng sau, rất có thể, con cháu chúng ta sẽ lại trưởng thành lên với những niềm mơ mộng gắn bó với nó, như mình đã từng yêu Marc Levy, đã từng yêu Kiếp Sau, Em ở đâu, Bạn tôi tình tôi, Nếu em không phải một giấc mơ, Những đứa con của tự do…


Ngày đầu tiên là quyển tiểu thuyết thứ 9 của Marc Levy, quyển này đi chung với “Đêm đầu tiên” tạo thành bộ đôi “Ngày đầu tiên – Đêm đầu tiên”, là tiểu thuyết thuộc thể loại “phiêu lưu kỳ ảo”, khá giống với dạng “tiểu thuyết diễm tình” pha lẫn với kỳ bí, vốn là sở trường của Marc Levy từ trước đến giờ, nhưng có một số đặc điểm mới hơn và… khó hơn, bởi sự logic của nó phải đạt đến đỉnh cao trong cách bố cục truyện, phân loại và hệ thống các chi tiết để quyển tiểu thuyết đạt đến sự hoàn hảo. Theo một cách nào đó, và với sự kỳ vọng của mình, thì Marc Levy đã khá thất bại…

Marc rất giỏi trong việc phô bày kiến thức và xâu chuỗi các sự kiện, xâu chuỗi thời gian và kết nối các nhân vật để tạo ra một “mê cung” hoàn hảo cho plot truyện. Marc cũng rất giỏi trong việc dẫn dắt người đọc đi từ ngạc nhiên này sang ngạc nhiên khác, khiến người ta phải trầm trồ và ậm à thú vị khi mỗi trang sách được lật qua. Marc ở đây vẫn vậy, thú vị, dí dỏm, hài hước duyên dáng và rất thông minh trong cách xử lý thoại. Nhưng có một thứ không ổn: tâm lý nhân vật, mọi thứ diễn ra quá nhanh, mọi thứ “suôn sẻ” trên mức bình thường và những thứ ngẫu nhiên cứ xảy ra liên tục, trợ giúp cho các nhân vật chính nhiều quá khiến cho quyển tiểu thuyết trở nên nặng tính sắp xếp, nói đơn giản là quá dụng công và thiếu đi chất tự nhiên trước giờ luôn có ở Marc Levy.

Là một sự cố tình thay đổi từ Marc? Hay đơn giản là Marc vẫn vậy, chỉ có điều trước giờ mình không nhận ra điều đó?

Điểm trừ thứ hai cho quyển sách là có cái kết quá… hẫng cho người đọc, bởi là “bộ đôi” nên có lẽ phải đọc luôn cả “Đêm đầu tiên” (quyển chưa được xuất bản ở VN), người đọc mới giải tỏa được hết nỗi uất ức và đi hết được câu truyện mà Marc vẽ ra. Điều này thực ra có hai mặt của nó. Một mặt làm mới cái chất của Marc Levy, người trước giờ luôn để lại một cái kết happy ending cho tiểu thuyết của mình, mặt khác làm người đọc khó tính cảm thấy khó chịu, và có cảm giác bị… ép mua hai cuốn thay vì 1 cuốn, bị ép đọc hai cuốn thay vì 1 cuốn, dù điều đó không hề gì, nhưng với người đọc “thấp cổ bé họng” ở VN như mình, đọc xong cuốn này mà ko có cuốn kia để đọc thì quả là điên đầu.

Bộ đôi này làm mình nhớ đến Cưỡng cơn gió bấc và Con sóng thứ bảy. Hai cuốn này liền mạch và bám vào nhau rất chặt, nhưng đọc cuốn 1 xong không có cảm giác khó chịu, và nếu ko đọc tiếp cuốn 2 cũng chả sao. Nhưng ngược lại, phải đọc cuốn 1 thì đọc cuốn 2 mới thấy hay, còn đọc cuốn 2 mà không đọc cuốn 1 thì khó mà cảm được.


Ngoài ra, Marc Levy cũng từng có một bộ đôi khác là Nếu em không phải một giấc mơ & Gặp lại, điểm khác nhau giữa hai bộ này có lẽ là việc Marc Levy viết bộ sau (Ngày đầu tiên & Đêm đầu tiên) là có dụng công tạo thành 1 bộ, còn bộ trước (NEKPMGM & GL) thì không có, mà viết cuốn trước xong rồi mới nảy ra ý tưởng viết cuốn thứ hai.

Dù sao thì, mình thấy cuốn này, Ngày đầu tiên, cũng hay hơn “Mọi điều ta chưa nói” (Quyển thứ 8 của Marc Levy) một chút, và vẫn là quyển sách rất đáng đọc cho những ai yêu sách, dù là fan hay không là fan của Marc Levy đi chăng nữa. Với thể loại phiêu lưu kỳ ảo này, Marc Levy sẽ có thể chinh phục thêm nhiều đối tượng độc giả nữa, và sẽ đến gần hơn với mọi người. Một quyển sách rất rất nên đọc, hehe.

Sunday 13 March 2011

Món quà bí ẩn [The Gift] - Cecelia Ahern

Một quyển sách nhẹ nhàng và sâu lắng, bóc trần con người trong cuộc sống hiện đại, những kẻ ngày càng giàu vật chất hơn nhưng cũng nghèo thời gian đi. Họ lao vào thỏa mãn những mục đích bản thân, bỏ rơi gia đình để rồi khi chợt nhận ra thứ gì quan trọng nhất trong đời thì đã muộn.

Thời gian không thể trao đổi, buôn bán, nhưng có thể chia sẻ cùng nhau để mỗi phút giây qua đi, dù không kèn không trống nhưng vẫn để lại một dấu ấn trong đời mỗi người

Một quyển sách đúng kiểu văn phong của Cecelia Ahern
. Những ai đã đọc PS, I love You của bà rồi thì sẽ ko thể nào ko nhận ra


Chuyện kể về Lou, anh là một người bận rộn, hay chính xác hơn, anh thích cuộc sống bận rộn. Anh luôn luôn đẩy mình vào trạng thái làm hai việc, nghĩ hai thứ, ở hai nơi cùng một lúc. Anh như một con thoi, lao đi từ nơi này đến nơi khác, không hài lòng với những thứ mình có, anh đang khai khát dc thăng chức, khao khát căn phòng làm việc lớn hơn, rộng hơn của Cliff, ng` cấp trên đã phải nhập viện.Và để đạt dc mong muốn, anh dành tất cả những gì anh có cho công việc. Anh ko có đủ thời gian để nghe điện thoại của chị gái gọi về việc tiệc sinh nhật của 70 của cha. Anh ko có thời gian dự buổi biểu diễn giáng sinh của con gái Lucy của mình. Anh dành thời gian dự cuộc gặp gỡ với khách hàng hơn là về nhà ăn bữa ăn gia đình với cha mẹ, các anh, chị và vợ con. Với anh, công việc có thể sa thải anh, nhưng gia đình anh thì không. Và cứ thế, anh hoang phí thời gian của mình trong mệt mỏi thay vì trân trọng từ khoảng khắc.

Và cho đến khi anh gặp Gabriel, gọi tắt là Gabe, cuộc sống của anh thay đổi. Gabe là một kẻ vô gia cư, ngồi ngay trước tòa nhà công ti anh. Trong những ngày cuối năm băng giá lạnh lẽo, Gabe người trong chiếc chăn bẩn, ngồi đó, bình thản đến lạ lùng. Lou gặp Gabe trong 1ngày lạnh giá, khi anh đi làm sớm và chợt dừng chân chú ý đến Gabe, mua cho Gabe 1 li cafe nóng hổi. Họ đã có một cuộc trò chuyện và Gabe đã trả cho anh những thông tin xứng đáng với li cafe của anh.

Trong một ngày không thể hiểu dc chính mình, Lou đã cho Gabe 1 công việc, 1 việc giao liên trong công ti với hy vọng, trí nhớ và sự quan sát của Gabe sẽ tích cực giúp anh thắng trong cuộc cạnh tranh với Alfred cho vị trí của Cliff để lại.

Cho Gabe 1 công việc, cho anh ta bộ comle, đôi giầy, mọi thứ, Gabe chợt trong phút chốc, trở thành một người hầu như giống hệt Lou. Và như thế, chẳng bao lâu sau Lou bắt đầu hối hận về việc cho Gabe đến gần mình. Gabe luôn luôn có thể ở hai nơi cùng một lúc, cùng một thời điểm, thế nên hầu như Gabe theo dõi và biết mọi việc Lou làm. Gabe can thiệp và làm đảo lộn cuộc sống của Lou. Ông chủ Lou thích Gabe, gia đình Lou cũng thích Gabe, Gabe thay Lou làm những việc mà lẽ ra anh phải làm, cho gia đình mình, cho cha mình, vợ con mình

Lou khó chịu với Gabe, anh có cảm giác, Gabe muốn cuộc sống của anh, dần hất anh ra khỏi mọi thứ. Anh luôn nghĩ gia đình ko bao giờ sa thải mình, thế nhưng đứng giữa họ, nghe họ trò chuyện, anh mới biết, trong câu chuyện của họ, cuộc sống của họ, đã ko còn có anh. Họ nói với nhau những câu chuyện mà anh không hiểu, vì anh đã ko bao giờ có đủ thời gian nghe họ nói. Anh để cho một ng` lạ tổ chức sn cho cha mình mà ko bao giờ có thời gian ghé mắt xem có đúng những gì ông cụ thích không.

Lou quá bận rộn, và hầu như Lou không có gì cho gia đình, thế nên Gabe đã cho anh một món quà, một món quà quá to lớn, đủ để xáo trộn cuộc sống của anh và người thân anh mãi mãi

________________________

Một câu chuyện về những người chẳng khác nào gói bưu phẩm, luôn cố cất giấu điều bí mật của mình. Họ tự bao bọc mình trong nhiều lớp giấy cho đến khi một ai đó thích hợp xh và mở lớp vỏ bọc kia ra để khám phá điều bí ẩn bên trong. Một câu chuyện cảm động về cách người ta phải sống thế nào để không lãng phí từng giây phút trong đời, sống và hạnh phúc

Trở lại tìm nhau - Guillaume Musso

“Quý vị hãy khẩn trương sống, khẩn trương yêu. Chúng ta lúc nào cũng nghĩ còn thời gian, nhưng không phải như vậy. Một ngày nào đó, chúng ta sẽ ý thức được rằng mình đã vượt qua điểm đoạn hồi, thời điểm người ta nhận ra rằng mình không thể quay ngược lại phía sau được nữa. Thời điểm người ta nhận ra rằng mình đã để vuột mất cơ hội…”




Và như thế, toàn bộ câu chuyện diễn ra và xoay quanh “điểm đoạn hồi” trong cuộc đời một con người.

Nhân vật chính là Ethan Whitaker, một chàng trai với đầu óc thông minh và linh hoạt, nhưng lại không được số phận ưu ái. Cha mẹ anh qua đời sớm, tước đi của anh cái quyền được vào Đại học, được thoát khỏi số phận của một thanh niên nghèo làm trong công trường xây dựng, lấy người bạn gái lâu năm, có những đứa con và sống mãn đời trong nghèo khó. Đó không phải là anh. Anh không thể trói mình trong cuộc sống vốn đã được lập trình đó. Anh có yêu Marisa, nhưng tình yêu đó không đủ lớn để trói anh, và cô cũng hiểu điều đó. Anh có tình bạn đẹp với Jimmy, người mà cho mãi đến 15 năm sau trong đời mình, vẫn là người bạn thân duy nhất và trung thành nhất của anh, nhưng từng đó cũng không đủ giữ anh lại. Vào ngày Sinh nhật thứ 23 của mình, Ethan đưa Marisa cùng Jimmy đến New York, thành phố của “không có gì là không thể” để ăn mừng. Và ngày hôm đó, trong dòng người tất bật đầy quyến rũ, Ethan đã biến mất. Anh ra đi, hòa vào nó, cắt đứt hai sợi dây duy nhất níu giữ anh lúc này là cô vợ sắp cưới và anh bạn thân. Anh bỏ rơi họ, và biến mất. Biến mất khỏi đời họ, biến mất khỏi cuộc sống nghèo khổ và được định sẵn mà anh không bao giờ chấp nhận. Anh tin vào chính mình, anh không tin vào số phận. 15 năm nữa, tại New York này, sẽ không ai là không biết đến anh. Anh tin như thế, và anh đánh đổi mọi thứ anh có lúc này cho giấc mơ đó. Cuộc đời anh từ đó sang trang, thành công hơn, giàu có hơn, nhưng bất hạnh hơn anh đã nghĩ.

Mười năm sau, cũng tại New York, Ethan một lần nữa cắt đi sợi đây tình cảm mình có, lần này là với người phụ nữ định mệnh của cuộc đời anh, Céline. Anh yêu cô ấy, không có gì để bàn cãi. Cô ấy yêu anh, không có gì để nghi ngờ. Nhưng anh vẫn rời xa cô ấy, ko với bất cứ lí do nào cả. Chỉ là chia tay, không lời giải thích, không biện hộ. Chia tay cô ấy, vì anh yêu cô ấy. Vì từ trong sâu thẳm con người mình, anh biết mình sẽ hủy hoại cô ấy, như hủy hoại chính bản thân anh từng ngày một trong suốt 10 năm qua. Anh sợ. Trong anh lấp đầy nỗi sợ. Sợ mất cô ấy, sợ làm hại cô ấy, sợ tình cảm sẽ khiến anh yếu đuối khi mà sự nghiệp của anh, thứ anh đã dùng tất cả những gì mình có để đánh đổi chỉ mới bắt đầu. Anh sợ sự ràng buộc, sợ trách nhiệm với một gia đình. Anh sợ mọi thứ. Và anh chọn cho mình cách chia tay, chọn cách một lần nữa cắt bỏ mọi liên kết tình cảm của anh trong cuộc sống này. Là anh một lần nữa trốn chạy.

Ngày 31 tháng 10 năm 2007, Ethan tỉnh dậy trên chiếc du thuyền sang trọng của mình trong tình trạng mất ký ức tạm thời, một phản ứng của cơ thể để bảo vệ bản thân khỏi một thứ gì đó mà anh không còn nhớ nữa.

Anh bắt đầu một ngày bình thường sau khi đã trấn áp dc cơn đau đầu. Anh có một buổi truyền hình, có công việc và anh thật hoàn hảo cho việc đó. Đúng như đã hứa, giờ đây, anh là vị bác sĩ tâm lí nổi tiếng nhất, giàu có nhất và dc hâm mộ nhất ở New York này. Nếu có một khả năng gì đó, thì với anh chính là khả năng nhìn thấu người khác, nhận ra ở họ những vết nứt và hàn gắn nó. Anh bắt đầu công việc này thật bình thường, thế nhưng anh nổi tiếng ko phải vì nó, mà vì anh biết nắm lấy cơ hội.

Cơ hội mang đến cho anh danh vọng, tiền bạc, sự sang trọng, sự nổi tiếng, tầm ảnh hưởng, nhưng nó cũng lấy đi của anh niềm tin và hút kiệt sức sống. Nhưng điều anh nói, những thứ anh khuyên, đó không phải là những gì anh nghĩ hay làm. Cuộc sống của anh trượt dài trong cô đơn và mệt mỏi và chán nản. Không có ai bên cạnh anh cả, chính bản thân anh cũng thế. Anh tự giam mình trong thánh địa của nỗi cô đơn và chủ nghĩa cá nhân hủy hoại, anh chỉ sống cho mính mình, không người thân, không sẻ chia, không tình yêu, thậm chí anh không có dc một người bạn kể từ khi bỏ rơi Jimmy 15 năm trước.

Để đạt dc hôm nay, Ethan đã từ bỏ rất nhiều thứ, kể cả bản thân mình. Anh khoác lên người một vỏ bọc hoàn hảo, nhưng nó chắc chắn không phải là anh. Chạm đến đỉnh vinh quang cũng là lúc bản thân anh chạm đáy của nỗi cô đơnvà tuyệt vọng. Anh cảm thấy sống lúc này khó khăn và đau đớn hơn cả chết. Anh mang lên mình một chiếc mặt nạ, nói những điều mà chính bản thân anh cũng không tin. Anh tạo ra một bộ mặt mới cho mình và chính bộ mặt ấy nhấn chìm anh trong tuyệt vọng, thay thế anh. Anh giờ đây cũng không thể nhận ra mình nữa.

Ngày Halloween của anh diễn ra với vô vàn rắc rối, từ cô bé Jessie tự sát bằng súng trong phòng khám của anh khi anh bỏ mặc cô bé dù đã nhận ra sâu trong đôi mắt ấy những rạn vỡ, những chông chênh. Đến việc anh gặp lại Céline, nhưng là trong ngày cưới của chính cô, và kết thúc bằng ba phát súng từ một gã vào người anh. Một vào tim, hai vào đầu.

Số phận và nghiệp chướng cho anh 2 cơ hội để làm những gì anh muốn, nhận ra những thứ anh cần làm và thay đổi số phận của anh. Anh có 2 cơ hội khi dc sống lại ngày hôm đó đến lần thứ 2, lần thứ 3. Và anh vùng vẫy, tìm lại khát vọng muốn sống đã chôn vùi trong tim anh từ rất lâu rồi

Trong 3 ngày và 2 cơ hội đó, anh nhận ra những gì, điều tra ra những gì, lấy lại dc gì và có thắng dc số phận không. Ai là người giết anh. Cái kết thật sự bất ngờ

Ethan có cơ hội, vì anh đã bước qua điểm đọan hồi của mình. Ở nơi đó, anh không còn thắng được số phận, nhưng số phận cũng không bạc đãi anh. Vậy cho nên, 24h, hãy sống, hãy yêu và không hối hận.

A Walk To Remember - Đoạn đường để nhớ

Tôi chọn cuốn sách này rất tình cờ, trong một lần đến cho biết một hiệu sách bán sách với chỉ  65% đến 75% giá bìa. Vốn chỉ tính tham quan cho biết chứ chưa định mua gì, vì nhà cửa bề bộn mà tôi thì không muốn làm mất sách của mình chút nào, nhưng khốn nỗi, khi tôi ghé, trúng ngay giờ cửa hiệu rất vắng. Và vì vắng nên tôi đi qua đi lại, đi tới đi lui ngắm nghía thì anh chủ tiệm cũng ngắm nghía tôi, nghía xong đi ra thì quả thật … kỳ quá, vậy là tôi quyết định mua một quyển gì đó. Và tôi chọn “Đoạn đường để nhớ” đơn giản vì tôi thích cảm giác bình yên khó tả mà bìa sách mang lại.




Đầu tiên, bạn mỉm cười, rồi sau đó bạn sẽ khóc, xin đừng trách tôi đã không cảnh báo trước
Nicholas Sparks bắt đầu quyển sách của mình bằng lời khẳng định như thế. Thú thật ban đầu khi đọc lời giới thiệu, tôi đã cười. Tôi biết bản thân mình không phải là một đứa lãng mạn, một đứa tin vào thứ gọi là love story hay khóc lóc khi coi những bộ phim Hàn Quốc và tôi cũng tin rằng, mình sẽ không cần đến lời “cảnh báo” này của Sparks, thế nhưng, tôi đã nhầm. Bắt đầu từ những trang đầu tiên của câu chuyện, tôi đọc và không thể dừng lại được, để rồi khi gấp quyển sách lại, tôi đã thật sự có những giây phúc tươi cười, cảm giác ngưỡng mộ, và cả những giọt nước mắt lặng lẽ rơi.

Đoạn đường để nhớ là một câu chuyện tình yêu, không có gì để bàn cãi về chuyện này. Một câu chuyện tình như bao câu chuyện tình khác, có chàng, có nàng, có những kỉ niệm, có vui, có cả buồn, nhưng điều đặc biệt của nó chính là một câu chuyện tình chân thật và trong sáng đến nỗi cho tôi một cảm giác nâng niu, ngưỡng mộ. Đây là câu chuyện tình buồn, hẳn rồi, vì tác giả đã cảnh báo các bạn mà, nhưng hãy tin tôi, bạn sẽ ko hề cảm thấy buồn phiền hay nặng nề trong câu chuyện, không có bi kịch, không đẫm nước mắt, đơn giản nó giống như một nốt trầm trong bản nhạc vui tươi mà thôi. Bạn có thể khóc, nhưng ko phải vì bi luy, càng không phải vì xót thương cho hai nv chính, bạn sẽ khóc vì niềm hạnh phúc, vì nuối tiếc một mối tình như khối pha lê thuần khiết để rồi sau đó ngồi dậy và nhìn cuộc sống này với một màu tươi sáng hơn, rạn rỡ hơn và trân trọng hơn những thứ mình có lúc này.

Công bằng mà nói, motip trong truyện hoàn toàn không mới, thậm chí, tôi đã từng đọc Socrate in love – Tiếng gọi tình yêu giữa lòng thế giới của Katayama Kyoichi cũng có nội dung tương tự đến 60% cơ [mà lạ thiệt, viết thể loại thế này lại toàn là nam tác giả, sao thế nhỉ], nhưng không hiểu sao, tôi vẫn ngấu nghiến có đến hết quyển sách mà không thể dừng lại được

Câu chuyện nói về hồi ức một mối tình đầu ở tuổi học trò, và đồng thời cũng là mối tình duy nhất của một người đàn ông 57 tuổi sống ở thị trấn ven biển Beaufort, nam Carolinavào những năm 50, 60 của thế kỷ trước. Landon Carter là một chàng trai sinh ra trong một gia đình thuộc hàng thượng lưu, giàu có. Cậu có cha là một nghị sĩ, người bỏ ra 9 tháng thời gian của mình trong năm để dành cho những cuộc họp tại quốc hội chứ không phải cho con trai mình, có ông là một nhà tài phiệt độc tài, rất giỏi nhưng cũng không kém phần tàn ác, dối trá trong kinh doanh, khiến không ai trong thị trấn là không ghét bỏ và sợ hãi. Cậu lớn lên trong vòng tay chăm sóc của mẹ, một người phụ nữ ngọt ngào, điều tốt đẹp duy nhất trong tuổi thơ của câu. Landon lớn lên ở thị trấn, vì cha mẹ cậu muốn cậu có thể trải qua những năm tháng tốt đẹp tại miền đất đẹp nhất nước Mỹ này, như họ từng trải qua. Một cuộc sống bình thường, nhàm chán và thiếu thốn bàn tay dẫn dắt của cha khiến Landon sớm nổi loạn. Chỉ là nổi loạn, chứ không phải hư hỏng gì, nhưng nó đủ khiến cuộc sống của cậu nhàm chán, buồn tẻ, khiến cái nhìn của cậu về những điều giá trị trong cuộc sống trở nên hời hợt và vô tâm.

Nhưng vào năm cuối trung học, khi Jamie Sullivan, con gái của cha xứ Sullivan bước vào cuộc đời cậu, mọi thứ chợt thay đổi và sang trang theo một cách mà chính bản thân cậu cũng ngỡ ngàng. Jamie là một cô gái mang tâm hồn thuần khiết thánh thiện, cô có một đức tin mãnh liệt vào chúa, có những cách giải thích rất riêng cho mọi thứ trong cuộc sống và có cả tình thương bao la dành cho tất cả mọi người. Lòng tốt của cô, đó là một thứ gì đó thuần phát đến ngỡ ngàng, dịu dàng khó tả, một vẻ đẹp khiến cho cả những anh chàng ngỗ ngáo nhất, những kẻ côn đồ nhất cũng cảm thấy mình không bao giờ có thể làm những điều xấu xa trước mặt cô. Cô không như những cô gái cùng trang lứa, bỏ thời gian vào những cuộc yêu đương vội vã, vào áo váy chưng diện hay những buổi hẹn hò, Jamie chỉ có một sở thích duy nhất là đọc kinh thánh, có niềm vui là giúp đỡ mọi người, bất cứ ai cần cô, từ những người già cả, những con vật đáng thương hay các em nhỏ trong trại trẻ mồ côi. Jamie dịu dàng tử tế với tất cả mọi người, thế nhưng ở một nơi như trường trung học, nhất là năm cuối, mọi người xem cô bé như người lập dị với những sở thích khác thường, với vẻ ngoài gồm tóc búi cao và áo len nâu hệt bà già.

Jamie và Landon học cùng nhau từ những năm tiểu học, cũng phải thôi, thị trấn đâu phải là quá lớn, nhưng Landon chưa bao giờ thật sự để ý hay “quen biết” Jamie, mãi cho đến khi cậu chàng, một chủ tịch hội học sinh trường, nhưng lại không kiếm nổi một bạn nhảy trong đêm dạ vũ đầu năm. Và vì Jamie tử tế với tất cả mọi người, thế nên Jamie đồng ý trở thành bạn nhảy của Landon chỉ với duy nhất một điều kiệu “Cậu phải hứa rằng sẽ không phải lòng mình”. Một điều kiện lạ lùng nhưng là bước đầu tiên thay đổi cuộc đời Landon mãi mãi. Và như thế, anh chàng nổi tiếng nhất trường, đi cùng cô nàng tầm thường lập dị đến tham gia một buổi khiêu vũ mà trong đó nhảy nhót thì ít, bò ra dọn dẹp một bãi nôn ói và bao che cho tội dùng rượu trái phép của cô bạn thì nhiều. Đó là cách mà Landon cùng Jamie bắt đầu câu chuyện tình của mình.
Mãi đến sau này, có lẽ Landon cũng không bao giờ có thể hiểu được, tại sao đi bên cạnh Jamie cậu lại có thể trở thành một ai đó khác đến như thế. Một Landon nổi tiếng trong bộ ves đẹp nhất của mình lại có thể cùng Jamie bò ra lau chùi những bãi nôn trong nhà vệ sinh, có thể cùng cô bé đưa một bạn nữ say khướt về nhà mà bỏ qua buổi tối cực kì vui vẻ. Đứng trước Jamie, Landon bị thuyết phục bởi sự tốt bụng chân thành tuyệt đối của cô bé và thật khó để cưỡng lại sức hút từ một cô nàng như thế.

Tình yêu của họ, bắt đầu bằng những bước tiến thật sự trong sáng, thuần khiết nhưng không kém phần sâu sắc. Landon dần dần bị thu hút bởi một Jamie mà cậu từng biết cả đời mình, nhưng cũng chưa biết gì cả. Trong mắt Landon, Jamie không phải là một con bé tầm thường lập dị như cậu từng tưởng, mà là một cô bé chân thành, tốt bụng, một cô bé tử tế và dịu dàng. Đi cùng Jamie, Landon từng chút một được cô bé chỉ cho những góc nhìn khác trong cuộc sống, những điều mà cậu sớm đã thờ ơ, vô tâm. Họ cùng nhau đến thăm lũ trẻ trong trại trẻ mồ côi, cùng chứng kiến những mảnh đời thiếu thốn vật chất, tình thương nhưng ấm áp tình cảm, cùng nhau có nhìn khoan dung và đầy cảm thông cho tất cả mọi người, biết nghĩ đến người khác chứ không chỉ có mình. Để rồi sau tất cả những điều nhỏ bé giản dị đó, tình yêu của Landon vỡ òa và rõ ràng hơn bao giờ hết khi cậu nhìn thấy Jamie xuất hiện trong vai thiên thần ở vở kịch cuối năm của thị trấn. Cô bé đẹp như một thiên thần. Và kể từ giây phút ấy, Landon biết mình đã nhìn thấy thiên thần cùa cuộc đời mình, một người đã đánh thức những cảm xúc của cậu, thay đổi con người cậu, khiến cậu trở nên tốt đẹp hơn, một người đáng để cậu yêu thương và trân trọng, một người vô cùng quan trọng với cậu.

Toàn bộ quá trình nẩy mầm của tình yêu đó, đẹp đến nao lòng, trong sáng và đáng ngưỡng mộ đến nỗi tôi phải kinh ngạc thốt lên làm sao mà lại có thứ tình yêu trong sáng thuần chất đến thế? Làm sao lại có thứ tình cảm vượt ngoài những hờn ghen ích kỉ bình thường như thế? Sao lại có thứ tình yêu không có chỗ cho đố kị, ghen tuông, không có chỗ cho hoài nghi như thế? Tình yêu của họ, khiến họ như tỏa sáng, khiến xung quanh nhưng bừng tỉnh trong thứ cảm giác ấm áp dịu dàng, tình yêu của họ không chỉ gói gọn trong chuyện của hai người, nó còn mang đến hạnh phúc cho những người khác. Làm sao mà lại có thứ tình yêu đẹp đến như thế chứ? Nhưng tôi biết, tình yêu đó là thật, Landon và Jamie hoàn toàn khiến tôi tin tưởng tình yêu đó tồn tại thật sự, khiến tôi không thể nghi ngờ hay phủ nhận. Và có lẽ chính vì thế mà tôi khóc đi đi cùng họ đến cuối chặng đường của tình yêu đó. Cảm xúc vỡ òa khi dõi theo những bước chân đầy đau đớn nhưng không thiếu quyết tâm của Jamie tiều tụy vì bệnh tật, đang bước vào giáo đường để đến bên Landon trong cam kết quan trọng nhất của cuộc đời họ. Tôi khóc, trong khi Jamie tiếp tục tỏa sáng trong nụ cười dịu dàng
Đầu tiên, bạn mỉm cười, rồi sau đó bạn sẽ khóc, xin đừng trách tôi đã không cảnh báo trước
Nicholas Sparks đã làm được chính xác điều mà ông cảnh báo, chính xác là như thế.

Cái chết của Jamie, cái đích mà tình yêu của Landon và Jamie đi đến, không phải tôi không nhận ra khi đọc trong từng trang sách, chỉ là tôi cũng có niềm tin như Jamie, niềm tin rằng mọi thứ xảy ra đều có ý nghĩa của nó, và tôi chờ đợi vào ý nghĩa việc làm này của chúa. Cuộc đời vốn không công bằng, Jamie không phải là một cô bé ngờ nghệch để không biết chuyện đó, nhưng cô cũng tin tưởng rằng nhưng đâu đó vẫn còn những điều tốt đẹp. Và cho dù chúa không công bằng khi muốn mang Jamie về bên người ở tuổi 17, nhưng cô vẫn cho là mình hạnh phúc khi may mắn có một người cha tuyệt vời, và thậm chí đã yêu và có người đáp lại tình yêu của mình. Cho đến giây phút cuối cùng, Sparks vẫn trung thành với sự trong sáng, sâu sắc và chân thành trong tình yêu của Landon và Jamie. Họ yêu nhau và cùng nhau đối mặt với tất cả, cùng nhau sẻ chia những giây phút ngắn ngủi đang trôi, cùng nhau khiến tình yêu của cả hai tỏa sáng và lan tỏa xung quanh. Ko phải kiểu chia tay trốn chạy để không làm khổ nhau, không phải kiểu đau đớn vật vã lấy nước mắt rẻ tiền trong phim Hàn quốc, tình yêu đó tỏa sáng cho đến giây phút cuối cùng.

Những gì Jamie đã làm mãi mãi tồn tại và trở thành một phần của những người xung quanh cô. Những đứa trẻ mồ côi mãi mãi nhớ về một thiên thần đả đến thăm và đọc cho chúng nghe hàng tháng, cha Sullivan nhờ Jamie mà cởi lòng mình, trút bỏ thành kiến lâu đời ông dành cho gia đình Carter, nhờ Jamie mà Landon và cha mình trở nên gần gũi, tự hào về nhau, cùng nhau sẽ chia quãng thời gian trong tương lai chứ không còn mãi nhìn về quá khứ. Jamie khiến cho những đứa bạn khác trưởng thành hơn, biết quan tâm đến xung quanh nhiều hơn và trên tất cả, tình yêu của Jamie mãi mãi tồn tại và nâng bước Landon trên con đường đời, kể cả sau khi cô không còn bên cạnh nữa. Landon ngày hôm nay và sau này là do Jamie tạo nên, bằng một tình yêu và niềm tin vô bờ của mình. Đau buồn là không tránh khỏi, nhưng những kỉ niệm ngọt ngào sẽ còn lại mãi mãi, trở thành một phần của cuộc sống người ở lại, khiến cho khi người ta nhớ đến nó sẽ cười và sẽ khóc trong niềm hạnh phúc ngọt ngào. Đến tận giây phút cuố cùng, Jamie vẫn là một thiên thần đã sống một cuộc đời trọn vẹn, đủ đầy, không có gì hối tiếc.

Bạn sống bao lâu không quan trọng mà quan trọng là bạn đã sống như thế nào

Kết thúc của Đoạn đường để nhớ không phải là chia li, mà là đoàn viên, trong nhà thờ, trong lễ cưới của Landon và Jamie, trong khi cô dâu, chú rể, cha xứ, tất cả đều quỳ xuống, họ được kết nối trong tình yêu vô hạn, thứ còn tồn tại mãi mãi không bao giờ phai mờ

Đây là một cuốn sách dễ đọc, bạn không cần quá tinh tế hay sâu sắc để có thể cảm nhận câu chuyện này. Tất cả nhẹ nhàng như một mạch nước len lỏi trong tim, gieo vào lòng bạn một niềm tin vào hạnh phúc đích thực và tình cảm giữa con người với con người. Một câu chuyện đẹp, một tình yêu đẹp được mô tả bằng một lối viết đơn giản và chân thật. Hãy tin Sparks, câu chuyện sẽ khiến bạn cười, rồi khóc, nhưng không phải vì đau thương hay bi lụy, mà vì vẻ đẹp của tình người.