Monday 14 March 2011

Cưỡng cơn gió bấc

Cưỡng cơn gió bấc làm tui nhớ Cô đơn trên mạng đến da diết, nhớ tới một Jakub đầy lý tính nhưng cũng hết sức tình cảm, tinh tế và ngọt ngào. Một thiên tình sử đầy gian dối, thực dụng và nhiều tội lỗi nhưng không thể cưỡng lại, như cơn gió bấc đầu mùa đã tràn qua đây, len vào cửa sổ đòi hỏi con người phơi trần cái sự thật cảm xúc của bản thân mình. Như chính bản ngã của cái lạnh, thấu hết tâm can từ trong xuyên ra, như tình yêu, như định mệnh…


Cưỡng cơn gió bấc có lối đối thoại đầy sức ma mị, nhiều mãnh lực và cuốn hút đến từng dấu chấm. Tất cả mọi ngôn từ đều toát lên vẻ huyền bí và thông minh bậc thầy của nó. Leo, một nhà tâm lý học ngôn ngữ chuyên nghiên cứu khả năng giao tiếp và ngôn ngữ của con người trên những bức email, và Emmi, một cô gái hết sức bình thường với một gia cảnh cũng khá bình thường (dù lắm bi kịch), họ đã gặp nhau, hiểu nhau, mến nhau, và yêu nhau chỉ thông qua những câu chữ. Những câu chữ có khả năng nhìn thấu thế giới, kiến tạo và xây dựng những tưởng tượng mơ hồ mà người ta nghĩ về nhau, và tất cả những thứ đó rốt cuộc, cuối cùng cũng không thể thoát được vòng tròn định mệnh.

Cưỡng cơn gió bấc là một cuốn sách đáng đọc, nếu bạn đang muốn thấu hiểu tình yêu và đang mất dần niềm tin với những tình yêu “trên mạng”, những tình yêu xa xôi không có hứa hẹn “đến đâu là đến đâu”, những tình yêu không có khoảng cách mà thay vào đó là những lỗ hổng chân không, nó hút tất cả mọi thế giới quan của hai người đang yêu vào đó và trộn lẫn chúng với nhau, những tình yêu mà ta không thể nào hiểu ra được cho đến khi bản thân mình tự trải nghiệm nó…


Cưỡng cơn gió bấc cũng có kết thúc gần giống như Cô đơn trên mạng, một sự “tái thiết lập” hoà bình đầy đau đớn sau chiến tranh, như chú thỏ non trở về khu vườn ngây dại của mình sau nhiều giờ đùa chơi với sói, vết rách đầy mình và chân tướm máu, để rồi tiếp tục tướm máu mãi mãi về sau đó cho đến cuối cuộc đời, vì đã dại dột trót yêu và bỗng dưng lãng quên một tình yêu ngọt ngào và mãnh liệt. Nhưng sói là sói, và thỏ là thỏ, mãi mãi hay muôn đời chẳng thể kết hợp được với nhau…

Cá nhân mình thấy truyện này buồn, quá buồn, nhưng không phải là cái nỗi buồn “tắt thở” như Cô đơn trên mạng đã từng kiến tạo nên, Cô đơn trên mạng là một bức tranh đặc sắc, bao trùm, nó gây chấn động bởi nhiều thứ râu ria trong một tổng thể u ám và bi đát, còn Cưỡng cơn gió bấc mang nặng tính bi kịch cá nhân, sự dằn dỗi trong chính bản thân của mỗi người và nó cũng hết sức… Hàn Quốc, cũng trẻ con, cũng đàn bà, cũng là những nỗi buồn và nút thắt vô cớ, nhưng tất cả mọi thứ đó lướt qua đều rất nhẹ nhàng và êm ái, như một vệt màu, hai vệt màu, rồi 10 vệt màu nhỏ nhoi quét xuyên suốt trên tấm lụa trắng, một tác phẩm nghệ thuật đầy nỗi buồn nhưng lắm niềm vui, và ngược lại.

Thủ pháp nghệ thuật của Daniel Glattauer trong cuốn này khá nhiều, nhưng bí ẩn và tinh tế, dụng công dụng chữ nhưng không khiến cho người đọc có cảm giác bị tác giả khoe khoang, kiến thức rộng và khả năng đào sâu đến tận cùng chân tướng của sự vật đã khiến cho Cưỡng cơn gió bấc trở thành một tác phẩm có sức quyến rũ chết người. Dịch giả Lê Quang dịch cuốn này hay, có đầu tư và giọng văn thanh thoát.

Khuyết điểm của quyển sách này là “thần tượng hoá” tình yêu trên mạng, mọi thứ diễn ra có vẻ trơn tru và mang hơi hướm cổ tích nhiều quá, là sự kết hợp giữa Marc Levy và Janusz Leon Wísniewski (không bao giờ nhớ nổi tên của cha này), một sự giao thoa tài tình.

1 comment:

  1. Blog hay quá. Mà sao không thấy ai comment ta, toàn sách bán chạy mà.

    Mình cũng đi tìm cuốn này mà không thấy, chỉ thấy "Con sóng thứ 7" và mua rồi. "Cô đơn trên mạng" thì mua mà chưa đọc ^^

    Cám ơn tác giả các bài viết nha :)

    ReplyDelete