Monday 14 March 2011

Số nguyên tố cô đơn

Trời, cuối cùng sau bao nhiêu nỗ lực cố gắng, mình cũng đã đọc xong “Nỗi cô đơn của các số nguyên tố” của anh Paolo đẹp trai. Quyển này đọc bị đứt quãng, cứ khoảng 100 trang lại có chuyện phải làm, bỏ 4,5 ngày mới cầm lên đọc lại được. Mỗi lần đọc lại lại phải dời ra đoạn trước khoảng 20 trang mới bắt lại được nhịp truyện, cũng tại dạo này hay đọc trước quên sau…




Sách hay, nhưng ảm đạm quá. Cái hồi đọc “Cô đơn trên mạng”, lòng mình tràn ngập nỗi cô đơn, bi thiết & thống khổ, nhưng cũng không thấy u ám bằng quyển này, toàn bộ từ trang đầu tiên đến những dòng chữ cuối cùng của quyển sách là một sự cô đơn bất tận, cái vực thẳm nội tâm tăm tối mà ở đó, con người đối diện chính bản thân mình bằng một sự sợ hãi tự phát, những nỗi niềm riêng không có nhu cầu được nói ra nhưng cứ bộc phát như thể một chiếc máy được lập trình sẵn…

Họ, hai con người, một Alice đầy thất vọng về cuộc sống, ức chế vì chiếc chân bị tật nguyền, căn bệnh vô sinh, một tuổi thơ nhiều vết xước đã để lại trong cô những ủy mị ảm đạm về quan niệm của cuộc đời, một Mattia xuất hiện trên cõi đời như một thần đồng toán học, nhưng luôn bị ám ảnh bởi những con số, những giá trị logic và hơn bao giờ hết, bị hấp dẫn bởi những con số nguyên tố & ví von nó với chính bản thân mình. Vậy thì ít ra, Mattia còn hơn Alice được một vài điểm, hiểu rõ bản thân mình muốn gì, cần gì, chỉ là anh chưa biết cách khai phá nó, còn Alice thì dường như đã đi hết cuộc đời mà vẫn chẳng biết mình đang ở đâu, phải đi về đâu…
Quyển sách ví những con người này như những số nguyên tố cô đơn, nói chính xác hơn là những “cặp số nguyên tố” cô đơn, bên cạnh nhau nhưng luôn bị ngăn cách bởi một số chẵn nào đó. 5 & 7 chẳng hạn, luôn bị ngăn cách bởi số 6, số 6 tượng trưng cho cái vực thẳm nội tâm mà mỗi con người tự xây lên cho mình. Nói vậy thì, bất kỳ mỗi chúng ta đều có thể, hay đã từng là một số nguyên tố, cái quan trọng là chính bản thân chúng ta có chấp nhận để cho mình trở thành một số khác đi, đồng ý để bản thân mình “được chia” cho một số khác, hay tiếp tục lựa chọn gặm nhấm nỗi cô đơn do chính bản thân tạo ra, bởi không biết cách chấp nhận một điều gì khác ngoài những thứ mình lựa chọn.

Tư tưởng chủ đạo của quyển sách này có thể phù hợp với mình 3 năm về trước. Còn bây giờ thì không. Mình bây giờ quan niệm khác hẳn: sự cô đơn không hề tồn tại một cách khách quan. Nó chủ quan & bị sinh ra bởi sự cố chấp, khó chịu & những nỗi đau mà con người tự chuốc lấy. Sự cô đơn là do chính bản thân mỗi chúng ta tự tạo ra cho mình, bởi không biết cách học hỏi để chấp nhận cuộc sống & những điều bi kịch như một quy luật khách quan của cuộc đời. Chính thái độ chứ không phải hoàn cảnh đã kiến tạo nên bi kịch, và dĩ nhiên, nỗi cô đơn rồi cũng sẽ tan biến nếu chúng ta biết cách đổi thay…

Lên tiếng về tư tưởng này có vẻ hơi Macxit, thì đành rằng bất kỳ ai đó cũng đã từng “đau khổ”, và trên cõi đời này còn có rất nhiều kẻ “cô đơn” đến đáng thương. Nhưng không hiểu sao đọc quyển sách này, mình không thấy thương cảm mà còn thấy….giận ghê gớm. Tại sao Mattia không biết tha thứ cho bản thân mình vì đã phạm một lỗi lầm từ thời thơ bé, tại sao Alice không hiểu được tình yêu của bố mình khi ông bắt cô phải làm những chuyện mà mình không thích, tại sao tất cả bọn họ đều thích gặm nhấm nỗi cô đơn & cơn hận của mình suốt mấy chục năm trời mà oán hận không thể phôi phai.

Làm gì có điều gì là vĩnh cửu ? Trong cuộc sống bộn bề đầy phức tạp & những chuyển động thời nay, ngay cả những kỷ niệm đẹp nhất cũng tàn lụi theo thời gian, thì nỗi đau & những hận thù dù có sắc bén nhất cũng có ngày mòn rục theo năm tháng. Ôm làm gì mỗi nôi cô đơn đau đáu, để tự cắt nát bản thân mình thành những mảnh vụn không màu, không mùi nhưng tướm máu?

Truyện không có kết thúc đẹp. Chỉ duy nhất vài dòng cuối cùng có thể biểu trưng cho một sự tươi sáng trong tâm trí, là cái cảnh Mattia đứng trước biển hít thở lấy lồng lộng khí trời, nghĩ về một cô gái khác ngoài Alice, còn Alice thì đang chiêm nghiệm lại toàn bộ quá khứ của cuộc đời mình, để rồi mỉm cười vì giờ đây mình đã có thể tự đứng dậy. Ừ, Paolo không viết truyện cổ tích, ông viết về sự trần trụi của cuộc sống & nỗi cô đơn mà chúa trời đã ban cho mỗi con người, và những con người đó, họ đã chọn cho bản thân mình trở thành một số nguyên tố…

Có thể tác giả không có ý muốn nói “Toàn bộ quãng đời của nhân vật trong cuốn sách đều cô đơn & đen tối”,mà chỉ muốn nói “Một số giai đoạn & thời điểm trong quãng đời ấy thật cô đơn & đen tối”, nhưng chính bản thân tác giả lại làm cho không khí quyển sách mang một màu sắc u ám & bi thương đến vậy. Ôi, tuổi trẻ, đây là tuổi trẻ đây sao? Vô vọng & bế tắc…

Hãy cứ nhớ, bất kỳ ai cũng có thể đã từng có một tuổi thơ nhiều vết xước, bất cứ ai cũng có một điều gì đó để hối hận, bất cứ ai cũng có nỗi niềm riêng. Nhưng tất cả những thứ đó không quan trọng, vì cái quan trọng là cái cách mà chúng ta đối xử với những điều gai góc đó.

Ôm lấy nó & đau khổ với nó hay để cho oán hận được phôi phai. Tất cả đều do ta lựa chọn mà thôi…

No comments:

Post a Comment