Monday, 14 March 2011
Người bệnh cuối ngày
Thời còn cắp sách, chú học trò ngớ ngẩn làm tôi xác tín hai điều:
Một - thầy dạy toán là 100% khô như ngói, ngoài những con số toán học không biết gì thêm.
Hai - các vị bác sĩ vừa khô như ngói, vừa 100% không biết hài hước. Ngoài con dao mổ hay cái ống nghe, cũng không biết gì thêm.
Điều ngớ ngẩn thứ nhất bị phá sản ngay khi còn chưa rời ghế cấp 3. Vị thầy toán học đã làm tôi nhớ mãi một khái niệm toán học khó nhớ bằng văn chương. Một đêm đầy sao trên sườn núi thơ mộng của chàng chăn cừu trong một truyện ngắn thơ mộng của Alphonse Daudet chính là khái niệm tập hợp của nhiều phần tử đứng cạnh nhau.
Nhiều năm sau, khi đã vào đời, biết thêm ông vua truyện ngắn của nền văn học Nga Tchekhov là bác sĩ. Nhà văn nữ hiện tượng của thập niên 90 Phan Thị Vàng Anh là bác sĩ huyết học. Thi sĩ Đỗ Nghê chính là bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc. Và người rất đỗi hài hước hóm hỉnh trong những bài viết của lãnh vực “tế nhị-nhạy cảm”, “thắc mắc biết hỏi ai” lẫn ngoài cuộc đời chính là bác sĩ Trần Bồng Sơn (đã qua đời).
Phá sản toàn bộ những suy nghĩ ngớ ngẩn thời đi học thật đáng đời, mà cũng thật sướng đời. Tầm mắt nhờ thế mà không quáng gà!
Bây giờ, gặp thêm một bác sĩ mà học vị ấy tôi hoàn toàn chỉ được biết sau khi đã quen anh qua những bài báo, tạp bút và cái dáng ngồi lặng lẽ chìm hẳn vào âm nhạc trước phím dương cầm. Nghĩa là, tôi quen một nghệ sĩ Lê Đình Phương trước khi biết anh là thầy thuốc. Nhưng đã không còn ngạc nhiên nữa. Thầy thuốc-bác sĩ, không như thế làm sao mà “cận nhân tình”? Nghề y chính là một thứ nhắc nhở “cận nhân tình”. Toa thuốc không chỉ là toa thuốc. Mũi kim tiêm không chỉ là mũi kim tiêm. Cái ống nghe áp vào tim người khác đâu chỉ nghe thuần nhịp đập (nếu chỉ thế thì cái máy sốc tim làm bệnh nhân giật đùng đùng, giãy nảy lên ắt sẽ hay ho hơn ông bác sĩ mất rồi). Không “cận nhân tình”, nghề gì e cũng hỏng.
Vì thế, cuốn sách này, như lời đề tựa của tác giả đã tâm tình đầy đủ mục đích của mình. Tôi chỉ xin làm một điều đơn giản: hãy đọc và chắc chắn tự mỗi người sẽ tìm gặp được những điều rung động cho riêng mình.
Như tôi đã gặp khi đọc nó. Chỉ thế thôi!
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment