Monday, 14 March 2011

Chuộc tội - McEwan

Cuốn tiểu thuyết mới xuất sắc của Ian McEwan “Chuộc tội” là một câu chuyện về tình yêu, một câu chuyện về chiến tranh và một câu chuyện về khả năng hủy diệt của trí tưởng tượng. Nó cũng là một cuốn tiểu thuyết chứa đựng tất cả những chủ đề trở đi trở lại của tác giả - ứng xử với những nguy hiểm của sự ngây thơ, sự ảnh hưởng của quá khứ lên thực tại và sự xâm phạm của cái ác vào những cuộc đời bình phàm - và hòa phối chúng trong một tác phẩm hài hòa mà mỗi phần nhỏ đều vừa lay động vừa vô cùng hấp dẫn. Nói một cách ngắn gọn, cuốn tiểu thuyết là một thành tựu xuất sắc.


Câu chuyện mà “Chuộc tội” kể lại liên quan tới lời nói dối ghê gớm của một bé gái 13 tuổi, một lời nói dối sẽ làm cho người yêu chị gái của em vào tù và làm tan nát cuộc sống vốn phẳng lặng của một gia đình tầng lớp hạng trên trung lưu. Như trong rất nhiều cuốn tiểu thuyết trước đó của McEwan, sự kiện kinh hoàng này sẽ phơi bày những đường nứt về mặt tâm lý chạy xuyên suốt cuộc đời các nhân vật của ông và buộc họ phải đối mặt với một loạt những lựa chọn về phương diện đạo đức. Nó cũng làm nổi bật những căng thẳng về mặt giai cấp tồn tại ở Anh những năm 1930 và những thay đổi về mặt xã hội do Đại chiến Thế giới lần thứ II gây ra.


Đồng thời, cuốn tiểu thuyết có vẻ chỉ là một chuyện kể được tạo nên bởi một trong các nhân vật này còn có giá trị như một sự suy tưởng phức tạp về những nguy hiểm của sự ảo tưởng và vực thẳm ngăn cách giữa hiện thực và nghệ thuật. Vô vàn những phúng dụ của nó (đến đủ các cuốn tiểu thuyết khác nhau như “Clarissa”, “Northanger Abbey”, “Lady Chatterley's Lover”, “Howards End”, và “Mrs. Dalloway”) đặt câu chuyện vào một bối cảnh văn chương phong phú đồng thời làm bật thủ thuật tạo ra một tác phẩm hư cấu: thắt chặt những đầu mối còn để hở của đời thực tế nhằm tạo ra một câu chuyện khiến người đọc thỏa mãn.


Gồm bốn phần riêng biệt, “Chuộc tội” mở đầu một cách rất lừa mị, như “Gosford Park”, lấy bối cảnh một vùng quê yên bình ở Anh được miêu tả bằng một thứ văn xuôi nhẹ nhàng, rất Woolf. Đó là một ngày hè nồng nực năm 1935, và gia đình Tallis tập trung ở căn biệt thự dùng bữa tối đặc biệt: Leon, con trai cả, về thăm nhà; em gái anh Cecilia vừa tốt nghiệp Cambridge về; Briony, cô em gái 13 tuổi của họ đã viết một vở kịch chào mừng Leon về nhà; ba đứa em họ Quincey - Lola 15 tuổi và hai thằng bé sinh đôi 9 tuổi, Jackson và Pierrot - thì vừa đến ở nhờ lâu dài.


Dẫu vậy, những mầm mống về sự hỗn loạn đã tồn tại. Người lớn trong nhà hoàn toàn vắng mặt: Jack Tallis thì ở văn phòng ở Whitehall của ông, lo chuyện nhà nước; Emily, vợ ông, bị đau đầu phải nằm bẹp trên giường; và bố mẹ bọn trẻ nhà Quincey thì vắng mặt vì đang chuẩn bị cho một cuộc li dị tồi tệ. Briony đã từ bỏ kế hoạch diễn kịch sau khi cãi nhau với mấy đứa em họ. Còn Cecilia và anh bạn cùng trường Cambridge, Robbie Tuner, con trai của người dọn dẹp cho gia đình Tallis, đã có một cuộc tranh cãi căng thẳng đầy nhục tính dẫn tới việc làm vỡ chiếc bình Meissen quý giá - cuộc tranh cãi bị cô bé Briony đang buồn bực chứng kiến, cô bé từng ôm ấp một cơn say nắng tuổi học trò với Robbie.


Rất nhiều sự kiện xảy ra vào tối hôm đó - bao gồm việc chuyển một bức thư tục tĩu, sự biến mất một cách chóng vánh của hai đứa sinh đôi nhà Quincey và việc cô em họ Lola bị hãm hiếp - nghe có vẻ như những sự phát triển được dàn xếp sẵn như trong một vở melodrama Gothic kiểu cũ. Nhưng McEwan đã rất tài tình khi cho thấy chúng là kết quả của một chuỗi kết hợp những sự tình cờ, hiểu nhầm, và đầu óc thâm hiểm, đồng thời khéo léo chuyển từ điểm nhìn của nhân vật này sang điểm nhìn của nhân vật khác để tạo nên một giọng kể phức tạp được cất lên vừa hài hòa vừa đem lại ấn tượng mạnh.


Trong những cuốn tiểu thuyết trước đây như “The Innocent” và “Amsterdam” McEwan đã sử dụng tài năng viết văn thiên bẩm của mình để chuyển tải điểm nhìn của các nhân vật rõ ràng là không hoàn toàn thánh thiện và trong “Chuộc tội” ông đã thành công trong việc khiến trạng thái tinh thần đã dẫn Briony đến việc buộc tội Robbie một cách sai lầm trở nên hợp lý, nếu không muốn nói là đáng thông cảm. Ông miêu tả cái cách sự ngây thơ bướng bỉnh và trí tưởng tượng tự trầm trọng hóa vấn đề của cô bé đã dẫn nó đến chỗ lờ đi sự thật, cái cách sự ngờ nghệch về thế giới người lớn của nó đã dẫn đến một tội ác khủng khiếp - một tội ác sau này cô bé cố đền bằng cả sự giải thích duy lý và những hành động chuộc tội.



Những phần tiếp theo của cuốn tiểu thuyết kể về những hậu quả mà lời nói dối của Brinoy gây ra cho gia đình Tallis. Một phần kể về cuộc rút lui của quân Đồng minh khỏi Dunkirk vào năm 1940, từ điểm nhìn của Robbie, anh được ra tù sớm vì đã đồng ý nhập ngũ. Phần thứ hai kể lại giai đoạn Briony làm y tá thực tập trong những ngày đen tối nhất khi diễn ra cuộc tản cư ở Dunkirk. Và phần thứ ba đưa người đọc về lại với gia đình Tallis năm 1999, những nhân vật chính sống sót qua chiến tranh nay đã già nua và ốm yếu.


Dẫu các phần của “Chuộc tội” đều được viết một cách diệu nghệ, khớp với nhau một cách tinh xảo như những miếng xếp hình được làm thủ công, dẫu chỉ riêng phần Dunkirk cũng đã có thể đứng riêng rẽ như một dàn cảnh sân khấu xuất sắc khắc họa sự vô nghĩa và nỗi kinh hoàng của chiến tranh, văn phong của McEwan vẫn không hề bộc lộ sự gượng gạo hay kiểu cách. Thực ra, “Chuộc tội” là cuốn tiểu thuyết khiến người đọc cảm động nhất của tác giả tính cho đến thời điểm này - một cuốn tiểu thuyết đã thừa kế kỹ thuật kể chuyện tuyệt vời từng được gọt giũa đến hoàn hảo trong cuốn tiểu thuyết “Amsterdam” trước nó để áp dụng cho một toàn cảnh bi kịch lớn hơn.


Đây là cuốn tiểu thuyết không chỉ chứng thực cho tài năng bậc thầy và khả năng chi phối độ căng tự sự của McEwan, mà còn cho sự hiểu biết của tác giả về trái tim con người và sự say mê sự cân đối và trật tự của nó.

No comments:

Post a Comment